Cô và trò chia sẻ thông tin phòng, chống thiên tai trong tiết học lồng ghép. Ảnh: CTĐCC 

Dựa trên thực tiễn và tư vấn từ các chuyên gia, một chương trình học được thiết kế cho khối 4, 5 với 6 chủ đề (thời lượng từ 1-6 tiết học): Nhận diện thiên tai, khái niệm về thiên tai, biến đổi khí hậu, tác động thiên tai/biến đổi khí hậu (BĐKH) đến đối tượng dễ bị tổn thương, giảm nhẹ rủi ro thiên tai – hành động của em, hoạt động rèn luyện kỹ năng giảm nhẹ rủi ro thiên tai (RRTT) của học sinh.

Sau những tiết học với nội dung như trên được lồng ghép, em Nguyễn Đăng Khoa, học sinh (HS) lớp 5/2 Trường tiểu học Hương Vinh 3 (TP. Huế) càng hiểu thêm rằng, mỗi khi di chuyển trên đường bị ngập, không nên đi nhanh, không dừng lại tránh trú ở cột điện và cây. Trường hợp khi đang học, nước dâng cao thì không tự ý ra về, tránh đuối nước; nếu ở nhà thì di chuyển lên tầng 2 hoặc gác lửng. Với Đỗ Ngọc Quỳnh Như, HS lớp 5/1 thì điều em tâm đắc nhất là việc chuẩn bị những thứ cần thiết mang theo khi cùng gia đình đến nơi tránh, trú bão. Quỳnh Như kể: “Ở lớp cô đã dạy, chúng con lựa chọn và được phân tích nên chọn món nào trong điều kiện thời tiết mưa lũ. Con còn phụ giúp gia đình kê đồ đạc lên cao và bảo quản lương thực. Những kiến thức được học, con kể cho mẹ để mẹ biết thêm”.

Cô Trần Thị Bích Hà, giáo viên khối lớp 4 Trường tiểu học Hương Vinh 3 nói: “Giáo viên chủ nhiệm linh hoạt lồng ghép chủ đề phòng tránh tai nạn thương tích, giảm nhẹ RRTT, phòng tránh đuối nước, sơ, cấp cứu vào các giờ sinh hoạt lớp. Riêng tôi dùng hình ảnh trực quan sinh động quay các thầy cô tập huấn để hướng dẫn, giải thích cho các em hay chơi trò chơi lựa chọn những thứ cần thiết mang theo khi thiên tai, thảm họa xảy ra”… “Đợt mưa lũ mới đây, nhận thức học sinh thay đổi rõ rệt. Các em xin mang theo cặp về nhà, hỏi cô cần phụ giúp kê bàn ghế lên cao không, nhiều em chờ người nhà đến đón thay vì tự ý đi về như trước”, cô Hà khoe.

Trường tiểu học Hương Vinh 3 nằm ở vùng thấp trũng, gần bờ sông so với các trường trên địa bàn phường. Mùa này, chỉ cần mực nước dâng cao hoặc nghe thủy điện xả nước, đã thấy bóng dáng phụ huynh túc trực chờ đón con cháu. Vì vậy, việc truyền thụ kỹ năng, nâng cao kiến thức giảm nhẹ RRTT, phòng tránh tai nạn thương tích… là điều cần thiết. Dự án đã tổ chức tập huấn cho 23 cán bộ, giáo viên trường với 3 đợt trang bị kiến thức về biến đổi khí hậu, phương pháp phòng tránh thiên tai, sơ, cấp cứu ban đầu. Thầy, cô trong trường tự lập kế hoạch trường học an toàn ở mức độ nào, khu vực nào cần khắc phục, từ đó đưa ra đề xuất hỗ trợ. Nhờ vậy, trường được hỗ trợ nâng cấp sân chơi 600m2 cho trẻ.

Cô Nguyễn Tất Thắng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hương Vinh 3 nhận xét: “Dự án cung cấp nhiều kiến thức cơ bản, kỹ năng sinh tồn giúp học sinh thay đổi hành vi, sống có trách nhiệm với môi trường. Nhìn chung, các em có sự chủ động, chuẩn bị chu đáo, phòng chống tốt, qua đó sẽ giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Điều rõ ràng nhất ở mùa mưa bão này là các em biết di chuyển thận trọng, chọn nơi tránh, trú an toàn, bảo vệ bản thân”.

Tương tự, tại Trường tiểu học Dạ Lê (TX. Hương Thủy), ngoài tập huấn cho các thầy, cô giáo, hướng dẫn đánh giá trường học an toàn, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch trường học an toàn cho chính đơn vị mình. Chương trình đã tổ chức được 13 lớp học về BĐKH, GNRRTT… cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Như Ý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dạ Lê cho hay: “Dự án hỗ trợ sửa chữa nhà để xe máy, xe đạp của giáo viên và học sinh, đồng thời làm mới lối đi có mái che mưa, nắng để cô trò di chuyển tiện lợi, dễ dàng hơn”.

Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo cho các trường học có khả năng giảm RRTT, tăng cường khả năng và tận dụng các nguồn lực trong công tác phòng, chống - ứng phó thiên tai tại chỗ. Hưởng lợi từ dự án có 4 trường mục tiêu: Trường tiểu học Hương Vinh 3, Trường tiểu học Phú Thượng 1 (TP. Huế), Trường tiểu học Dạ Lê, Trường tiểu học Thủy Châu (TX. Hương Thủy). Kết quả đã có 28 lớp học được tổ chức dạy cho gần 900 học sinh về nội dung BĐKH, giảm nhẹ RRTT. Mỗi trường nằm trong chương trình được chọn sửa chữa, nâng cấp 1 công trình theo đề xuất phục vụ cho sinh hoạt, giảng dạy…

Rất nhiều ý kiến đánh giá cao hiệu quả của sáng kiến “Trường học an toàn”, một số đại diện đến từ các trường rất mong muốn có thêm các hoạt động tương tự được triển khai hoặc phát triển sau khi dự án kết thúc. Có thể mang mô hình này nhân rộng ở nhiều trường nhằm giúp học sinh có thêm kiến thức cơ bản, kỹ năng sinh tồn. Phía Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho rằng, để đảm bảo an toàn cho những ngôi trường vùng thấp trũng trước thiên tai, bão lũ thì những hoạt động trong dự án rất ý nghĩa khi vừa trang bị kiến thức, vừa đầu tư công trình. “Sáng kiến này giúp thiết lập kỹ năng cơ bản cho học sinh khi các em sinh sống và lớn lên ở một mảnh đất thường xuyên đối mặt với thiên tai ở miền Trung”, bà Lê Thị Hiền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tính nhận định.

LINH TUỆ