Tuyên truyền đến người dân A Lưới về phòng, chống bạo lực trong gia đình. Ảnh: Lê Hiếu

Như nhiều phụ nữ khác ở miền sơn cước, bà Ploong Thị H. ở  thôn Diên Mai, xã A Ngo (A Lưới) từng là nạn nhân của BLGĐ. Mỗi khi đi uống rượu về, chồng bà trở thành một người khác hẳn. Đánh bà nhiều đến mức cơ thể chằng chịt vết thương, đau ê ẩm nhưng bà vẫn phải chịu đựng. Bà H. cũng không tìm tới sự giúp đỡ, can thiệp của chính quyền địa phương. Nhiều lúc chồng tỉnh táo, bà H. thủ thỉ, tâm sự khuyên bảo chồng bỏ uống rượu, lo chí thú làm ăn, nuôi con… Nhưng bỏ rượu được ít hôm rồi ông lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ”.

 Một bộ phận dân cư còn chưa tiếp cận và nắm rõ thông tin về các chính sách, pháp luật phòng, chống BLGĐ và các vấn đề liên quan. Chính vì thế, bạo lực vẫn đang còn diễn ra “âm ỉ” ở một số khu vực vùng sâu, vùng xa như Đông Sơn, Trung Sơn, Hồng Vân…; thậm chí, có cán bộ hội phụ nữ xã cũng bị bạo lực. Đáng nói, ứng xử với bạo lực của các chị cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng này gia tăng. Qua khảo sát, trong các trường hợp bị bạo lực, đa số nạn nhân đều giữ im lặng về hành vi bạo lực với người chồng (72,1%). Rất ít trường hợp nói với người có trách nhiệm xử lý (chưa đến 2%).

Theo bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới, có nhiều lý do gây nên BLGĐ, chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia, cờ bạc. Khi rượu vào không kiểm soát được bản thân dẫn đến các hành vi bạo lực. Một bộ phận xã hội hiểu không đúng về bình đẳng và bình đẳng giới, trình độ nhận thức pháp luật kém. Cộng thêm những nhận thức mang tính định kiến giới còn tồn tại trong tư duy của nhiều người, thậm chí ở ngay cả trong giới nữ, dẫn đến tình trạng cam chịu, sợ hãi và chấp nhận…

Hầu hết các trường hợp xảy ra bạo lực tại huyện A Lưới đều xuất phát từ nguyên nhân nghèo đói, nảy sinh mâu thuẫn. Thế nên, các tổ chức đoàn thể trong huyện tích cực hỗ trợ những gia đình khó khăn phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó, góp phần đẩy lùi tình trạng BLGĐ, hướng người dân thay đổi nhận thức, chí thú làm ăn, giảm thiểu, hướng tới “nói không với BLGĐ”.

Hội LHPN huyện A Lưới đã duy trì nhiều mô hình phòng, chống BLGĐ hiệu quả. Các mô hình câu lạc bộ thu hút được nhiều đối tượng với nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia. Huyện A Lưới hiện có 13 tổ cộng đồng, phấn đấu đến năm 2025 thì 57 thôn, bản của tất cả các xã, thị trấn đều có tổ truyền thông cộng đồng về phòng, chống BLGĐ, về bình đẳng giới, phụ nữ, trẻ em… Hiện nay, mỗi xã đều có câu lạc bộ “Đội phản ứng nhanh” để giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Những địa chỉ này đáng tin cậy tại cộng đồng để giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn cho các đối tượng bị BLGĐ.

Chị Hồ Thị Sương, Chủ tịch Hội LHPN xã A Ngo cho hay: Hiện nay, tình trạng bạo lực đã giảm dần. Chúng tôi thường xuyên thăm hỏi, tiếp cận, chia sẻ và kịp thời nắm bắt tâm tư của các trường hợp như chồng chị H. để có định hướng tuyên truyền phù hợp. Chính những “người trong cuộc” đổi thay, cũng góp phần tuyên truyền đến các hoàn cảnh, trường hợp BLGĐ khác trên địa bàn. Qua đó, giúp mọi người thay đổi cách nhìn, chia sẻ những bức xúc, góp phần đẩy lùi BLGĐ.

Mục tiêu, đến năm 2025, A Lưới có  trên 70% người có nguy cơ bị BLGĐ được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị BLGĐ. Những người bị BLGĐ khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe phấn đấu đạt 95%; những người có hành vi BLGĐ khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực phấn đấu đạt trên 80%...

Để đạt được mục tiêu trên, UBND huyện A Lưới sẽ duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên về phòng, chống BLGĐ. Đa dạng hóa phương thức, các loại hình thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống BLGĐ, như: tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động thể thao thực hiện truyền thông về phòng, chống BLGĐ; lồng ghép kiến thức phòng, chống BLGĐ vào chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với các cấp học, bậc học; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong phòng, chống BLGĐ…

An Nhiên