Sau 5h chiều, các xe khách thương hiệu Camel Travel lần lượt dừng đỗ tại nhà hàng Đồng Khánh đón khách đi ngoại tỉnh

Ngang nhiên hoạt động

Kể từ thời điểm dịch COVID-19 đi qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hoạt động trở lại ổn định thì nạn "xe dù, bến cóc"… lại bắt đầu tái diễn nhiều hơn.

Ghi nhận của chúng tôi, sau tầm 5 giờ chiều nhiều ô tô khách cỡ lớn “thương hiệu” Camel Travel mang biển kiểm soát (BKS) 29F620.91; 29F024.59…  dừng đỗ tại nhà hàng Đồng Khánh (đối diện khách sạn Công đoàn), đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế chờ khách từ các xe ôm, xe ô tô trung chuyển đến.

Lần lượt, xe này rồi đến xe kia không dưới 3 lượt chuyến đón khách tây lẫn ta với số lượng khá ổn là từ từ lăn bánh ra đường Nguyễn Sinh Cung đến Lê Lợi, qua cầu Dã Viên theo QL1A hướng ra bắc. Quan sát “lộ trình” bắt đầu diễn ra đều đặn tại nhà hàng Đồng Khánh, chúng tôi có cảm giác tại đây chẳng khác một bến xe thu nhỏ, được mặc định một địa chỉ quen thuộc cho hành khách khi có nhu cầu từ Huế đi các tỉnh.

Một người dân sống đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế cho biết, thời điểm COVID-19 bùng phát, khu vực sân bãi nhà hàng Đồng Khánh yên ắng ít xe cộ ra vào, nhưng kể khi cho phép các dịch vụ vận tải hoạt động trở lại, khu vực trên trở thành bến đỗ, đón khách của nhiều xe lở lớn vận chuyển hành khách liên tỉnh.

Tôi hỏi: “Có ai kiểm tra, kiểm soát các xe đỗ, đón khách ở đây" thì được người mà chúng tôi vừa trao đổi vô tư nói: “Khoảng từ đầu hè đến nay, các ô tô tập trung về đây đón khách chẳng thấy lực lượng chức năng nào đến “thăm hỏi”, kiểm tra, kiểm soát”.

Cùng với địa chỉ đậu đỗ, đón khách tại khu vực nhà hàng Đồng Khánh, một điểm khác tương tự là khu vực đường Điềm Phùng Thị, cạnh Bệnh viện Mắt Huế. Hiện tại ở khu vực này vào tầm trưa hoặc chiều hàng ngày là không khó bắt gặp tình trạng ô tô khách ngoại tỉnh nổ máy, xi nhan đèn đón khách đi ngoại tỉnh. Cũng tầm sau 5h chiều mỗi ngày nhiều xe thương hiệu Minh Mập, Queen Cafe… mặc nhiên lần lượt đậu bên đường Đội Cung, Nguyễn Thái Học (TP. Huế) đón, trả khách như bến xe di động. Xe này đầy khách, xe kia “nêm” vào rồi theo các cung đường quen thuộc di chuyển ra bắc vào nam.

Ông Lê Hữu An, chủ nhà xe ở tỉnh Quảng Trị hoạt động tại bến xe phía bắc, TP. Huế bức xúc, tình trạng xe hoạt động ngoài tuyến tranh giành khách làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải của các xe tuyến cố định. Hiện nay lượng xe không đăng ký bến bãi, tuyến cố định xuất hiện nhiều làm ảnh hưởng đến hoạt động xe tuyến cố định, vì lượng khách đến bến xe phía bắc TP. Huế hiện vắng dần.

Không nên “thả nổi”

Theo ông Phạm Xuân Sơn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Huế, tình trạng “xe dù bến cóc” kéo dài nhiều năm gây bức xúc cho nhà xe và các phương tiện hoạt động tại bến. Tính nhanh các địa chỉ “bến cóc” quen thuộc mỗi ngày không dưới 10 lượt đón khách từ TP. Huế đi các tỉnh. Bình quân mỗi lượt chừng 30-40 khách đã ảnh hưởng đến các đơn vị, doanh nghiệp, bến xe đang hoạt động ở TP. Huế. Các nhà xe nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng và mỗi lần kiến nghị là có danh sách những xe hoạt động trá hình. Ban An toàn giao thông tỉnh thường xuyên lập các kế hoạch đề nghị các ban, ngành chức năng địa phương phối hợp kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn; trong đó có nạn “xe dù bến cóc”. Thế nhưng tình trạng này vẫn tồn tại và ngày mỗi phát triển mạnh hơn.

Nhiều lần trao đổi vấn đề trên với lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT, chúng tôi được biết hiện ở địa phương có các loại hình vận tải khách, là: tuyến cố định, hợp đồng, xe công nghệ, xe buýt, taxi. Đối với xe tuyến cố định đã quy định đầy đủ cụ thể, chỉ được phép đón trả khách tại bến và các tuyến đường đã có quy định và sự kiểm soát xe cố định rất chặt chẽ.

Đối với xe hợp đồng, hiện nay đã hoạt động như xe tuyến cố định, thường dừng đỗ tại khu vực khách sạn, các tuyến đường trung tâm, cạnh trường học, bệnh viện… Loại xe hợp đồng phát triển nhanh, khi kiểm tra xử lý gặp khó khăn vì liên quan nhiều văn bản pháp luật. Đơn cử như nhà xe chỉ cần đăng ký kinh doanh, hợp đồng với hành khách là có thể đón trả khách. Đây là vấn đề khó khăn cho lực lượng chức năng khi kiểm tra, cần lập kế hoạch và có các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, lật tẩy các chiêu trò. Trong khi đó, lực lượng thanh tra còn mỏng chưa bao quát và kiểm tra, kiểm soát toàn diện.

Khó khăn nhưng không phải không có cách giải quyết. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý và điều hành hoạt động vận tải, giám sát các hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý, kịp thời nghiêm minh các lỗi vi phạm với các hình thức đậu đỗ, bắt khách của ô tô không đúng nơi quy định. Không làm theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”.

Hơn nữa, ngoài lực lượng chức năng vào cuộc, vai trò của chính quyền địa phương khá quan trọng, cần phát huy, phối hợp chia sẻ trách nhiệm, đôn đốc, chỉ đạo xây dựng những tuyến phố văn minh, tự quản để “xe dù, bến cóc” không có cơ hội tồn tại…

Bài, ảnh: MINH VĂN