Chở giống đi trồng rừng bản địa |
Quản lý chất lượng giống
Một khó khăn lớn lâu nay được ngành lâm nghiệp nêu rõ, là nguồn vật liệu phục vụ gieo ươm cây con chưa nhiều, đơn loài và đang ở loại hình thấp, chưa có các mô hình nguồn giống các loài cây bản địa, đặc biệt là các loài cây đặc hữu tại địa phương. Nguồn cung vật liệu để gieo ươm cây con bản địa rất khó khăn nên một số cơ sở gieo ươm trên địa bàn tỉnh phải mua các lô hạt giống, hoặc lô cây con từ các địa phương khác, khó kiểm soát chất lượng.
Trước thực trạng này, ngành lâm nghiệp đã có nhiều biện pháp sản xuất, không chỉ nâng cao số lượng mà còn chú trọng quản lý chất lượng nguồn giống phục nhu cầu sản xuất hằng năm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung ưu tiên đầu tư sản xuất giống cây bản địa phục vụ phục hồi rừng tự nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng.
Ông Nguyễn Hữu Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, theo yêu cầu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) giống cây trồng lâm nghiệp là tổ chức đều công bố tiêu chuẩn giống cây trồng lâm nghiệp chính. Đối với lô hạt giống, hầu hết các cơ sở mua hạt giống từ lô hạt giống được thu hái từ nguồn giống phải được công nhận còn thời hạn sử dụng, chất lượng hạt giống đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia.
Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động quản lý, SXKD giống cây trồng lâm nghiệp. Đặc biệt, chú ý đối tượng là các hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân, kết hợp kiểm tra tình hình sử dụng giống của các chủ rừng, cây con xuất đi trồng rừng đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Các cơ sở gieo ươm phải ưu tiên sử dụng cây giống lâm nghiệp bản địa tại địa phương để gieo tạo cây con nhằm phục vụ trồng rừng gỗ lớn cây bản địa trên địa bàn tỉnh. Cây giống này phục vụ trồng rừng thay thế, trồng rừng sản xuất gỗ lớn, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, trồng các vành đai băng xanh tại các lô rừng keo nhằm hạn chế cháy rừng vào mùa nắng nóng…
Trong quá trình bán cây con cho khách hàng, các cơ sở gieo ươm chịu trách nhiệm giao cho khách hàng hồ sơ liên quan đến vật liệu giống để sử dụng trong quá trình vận chuyển, lưu thông. Các đơn vị ưu tiên thực hiện các hạng mục trồng rừng theo phương châm “ba tại chỗ” (giống tại chỗ, gieo ươm tại chỗ và trồng rừng tại chỗ”. Các đơn vi này còn có trách nhiệm phối hợp với nhà thầu trồng rừng thực hiện đảm bảo chất lượng giống có nguồn gốc và xuất xứ hợp pháp theo quy định của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Người dân cần lựa chọn giống đảm bảo chất lượng để trồng rừng, kiên quyết không sử dụng giống kém chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Hướng đến giống nuôi cấy mô
Người trồng rừng đang quan tâm đến cây giống lâm nghiệp được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, bởi có nhiều ưu điểm vượt trội như thời gian sinh trưởng nhanh, năng suất cao, có khả năng chống chịu gió bão và sâu bệnh rất tốt. Với sự phát triển trồng rừng kinh doanh hiện nay, cùng với thị trường tiêu thụ gỗ xẻ có xu hướng phát triển, việc trồng rừng bằng cây giống chất lượng cao, đặc biệt là cây nuôi cấy mô là rất cần thiết cho các tổ chức, hộ gia đình phát triển trồng rừng gỗ lớn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 77 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, với số lượng sản xuất 20 triệu cây giống/năm. Trong đó, Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong, Công ty TNHH 1-5 là những đơn vị đi đầu trong thực hiện phương pháp nuôi cấy mô để sản xuất giống chất lượng cao cho rừng trồng. Ngành lâm nghiệp ưu tiên phát triển giống keo lá tràm dòng AA9, CLT7, giống này cũng đã trồng 143ha từ 2017-2022 tại Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong; sản xuất giống keo lai dòng AH7 và AH1 cho phát triển trồng rừng gỗ lớn…
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân triển khai các hoạt động chuyển hóa rừng giống cây bản địa với diện tích 10ha tại tiểu khu 250, 251, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc), gồm các loài lim xanh, kiền kiền, chò đen, chò nâu, sến mật, ươi, huỷnh, lát hoa...
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 phải đáp ứng nhu cầu sử dụng cây giống trồng rừng hàng năm là 25 triệu cây, trong đó keo các loài chiếm 80%, tương đương 20 triệu cây giống, còn lại là thông, phi lao, bản địa chiếm 20%. Giống cây lâm nghiệp được kiểm soát chất lượng trên 90%, sinh khối rừng trồng tăng trưởng đạt 20-25m3/ha/năm. Ngành lâm nghiệp triển khai các biện pháp nâng cao phẩm chất di truyền, chọn lọc được nhiều nguồn giống mới có năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và các điều kiện bất lợi. Phấn đấu trên 80% rừng trồng sản xuất theo hướng thâm canh, sử dụng cây con bằng phương pháp vô tính công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 14 ngàn ha rừng trồng gỗ lớn, rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững khoảng 15 ngàn ha. Do đó, việc nâng cao chất lượng cây giống lâm nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng Quốc tế, góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.