Học sinh hào hứng trả lời câu hỏi về sức khỏe sinh sản nhận quà từ thầy, cô 

Tuổi nhạy cảm

Cô M. giáo viên ở ngoại ô TP. Huế bày tỏ âu lo trong câu chuyện với đồng nghiệp khi bạn của cô – một chủ tiệm thuốc tây báo rằng, học sinh lớp 6 trường A. ghé mua thuốc tránh thai khi đến trường. “Chị ấy bảo không bán thì không được. Dù sao cháu cũng biết phương pháp phòng tránh. Chỉ là lứa tuổi em ấy còn quá sớm để sử dụng. Mình có tư vấn và hỏi song em học sinh (HS) ấy không tiết lộ gì thêm”, cô giáo thuật lại nét mặt đầy hoang mang.

Lãnh đạo một trường THPT kể, cô nhận được cuộc gọi cầu cứu của nữ sinh lớp 12 vì em ấy bị một đối tượng nam giới đeo bám, nhắn tin làm phiền khiến cuộc sống bị đảo lộn. Vừa trấn an, hướng dẫn giúp học trò, cô giáo còn bày cách để em “cắt đuôi” kẻ quấy rối kia và dọa sẽ báo công an can thiệp. Nhờ sự tư vấn kịp thời và hiểu tâm lý của cô giáo, mọi chuyện được giải quyết nhanh gọn, nữ sinh nói trên đã yên tâm trở lại với việc học hành, thi cử.

Chị H. một bà mẹ có con đang học lớp 10 phải tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý khi tình cờ phát hiện con tham gia hội, nhóm tự tử trên facebook. Nhóm kín này có cả ngàn thành viên, trong đó có thành phần HS. Quá sốc, chị kể lại với chồng. Sau khi gọi điện báo cô giáo chủ nhiệm nhờ cô tìm hiểu thêm ở lớp, hai vợ chồng chị họp bàn tìm phương án nhẹ nhàng tiếp cận, lắng nghe từ con chứ không làm ầm ĩ hay phạt đòn roi...

Đó là, ba trong vô số nhiều câu chuyện mà tôi nghe được trong các diễn đàn tuổi thành niên, đối thoại cùng cha mẹ hay chia sẻ cùng chuyên gia thời gian gần đây. Điều này cho thấy sự biến đổi tâm, sinh lý phức tạp của trẻ mới lớn trước những tác động của môi trường xung quanh. 

Ở độ tuổi mới lớn, các em khá nhạy cảm với nhiều vấn đề tâm lý, cảm xúc. Cộng thêm áp lực thi cử, kỳ vọng từ gia đình, chuyện tình cảm… khiến trẻ dễ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, ngại chia sẻ… Em Trương Quốc Lập, lớp 12A3, Trường THPT Hai Bà Trưng thổ lộ: “Năm cuối cấp chúng em đối mặt mới nhiều thứ từ cuộc sống cho đến trường học. Việc chọn trường nào phù hợp, ứng xử với bạn bè - thầy cô ra sao, thuyết phục cha mẹ ủng hộ… tạo thành một gánh nặng. Tất cả những phát sinh về tâm lý em mong được người thân, thầy, cô lắng nghe, chia sẻ. May mắn là trường có phòng tư vấn tâm lý và số điện thoại để em có thể liên hệ, giãi bày, tìm cho mình một hướng đi”.

Có nơi tìm hiểu, có chỗ giãi bày

Hầu như tháng nào, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cũng có chương trình phối hợp với các trường học tổ chức truyền thông về sức khỏe sinh sản (SKSS), phòng, chống các bệnh xã hội. Tham gia các diễn đàn này, ban đầu các em còn e dè nhưng về sau càng sôi nổi, HS nêu câu hỏi, bộc lộ quan điểm. Sự mạnh dạn, cởi mở tạo nên không khí trao đổi, tranh luận tích cực. Nguyễn Cát Tường Vy, HS Trường THPT Phú Bài (TX. Hương Thủy) chia sẻ: “Chúng em thường tìm hiểu trên mạng xã hội và qua sách vở, nhưng kiến thức cũng có hạn. Tại các buổi ngoại khóa, sinh hoạt về SKSS như thế này, em hiểu sâu hơn về các biện pháp tránh thai, phòng, chống bệnh lây nhiễm, tránh hậu quả đáng tiếc vì thiếu hiểu biết”.

Nâng tầm kiến thức SKSS thành một sân chơi rộng hơn, mới đây, CCDS-KHHGĐ tổ chức cuộc thi rung chuông vàng tại Trường THCS Tố Hữu. Từng phần thi trở thành cuộc tranh tài gay cấn. Lê Nguyễn Phương Vy, HS lớp 9/4 Trường THCS Tố Hữu (TP. Huế) nói: “Những chuyện khó nói, em thường chia sẻ với mẹ, với chị hoặc lên mạng tìm kiếm thông tin. Nếu gặp bạo lực học đường, tâm lý tình cảm em tìm đến chuyên gia ở trường. Nhờ những cuộc thi như thế này, em có cơ hội hiểu sâu hơn về SKSS, các luật liên quan, cách phòng, chống bệnh xã hội. Chúng em thích hình thức sôi nổi như thế này hơn là nghe một chiều”.

Thầy Lê Phú Hoài Bảo – Hiệu trưởng Trường THCS Tố Hữu cho biết: “Tư vấn tâm lý và giáo dục SKSS được trường rất quan tâm. Chúng tôi xây dựng các câu lạc bộ, tạo môi trường cho HS sinh hoạt, tâm sự, chia sẻ. Ban tư vấn tâm lý trường luôn lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ; vấn đề nghiêm trọng sẽ kết nối với gia đình. Tôi luôn nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm rằng, thầy, cô là người đầu tiên sát cánh với các em. Tiếp theo sẽ có ban tư vấn, ban giám hiệu hỗ trợ và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng học sinh”.

Tương tự, Trường THPT Hai Bà Trưng đã tổ chức mô hình tư vấn tâm lý từ năm 2014. 42 giáo viên chủ nhiệm cùng ban giám hiệu, y tế học đường tham gia trực ở phòng tư vấn. “Đây là lứa tuổi thay đổi tâm, sinh lý nên các em cần được quan tâm, lắng nghe. HS gặp rất nhiều tình huống về học tập, tình cảm, khủng hoảng tâm lý, bệnh lý… không dám kể với gia đình nên nhiều khi thầy, cô là người giúp các em tháo gỡ. Một số em vẫn điện thoại/nhắn tin trực tiếp cho tôi xin lời khuyên; thậm chí là HS trường khác, HS ngoại tỉnh. Tìm đến chia sẻ, giãi bày thì các em đang đặt niềm tin hoàn toàn vào chúng ta. Do đó, chúng tôi dùng kinh nghiệm sống, kỹ năng tư vấn và tình yêu thương để giúp học trò mình tìm giải pháp hợp lý”, cô Nguyễn Thị Hoa Phượng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Theo BSCKII. Nguyễn Văn Toàn – Phó Chi cục trưởng CCDS-KHHGĐ tỉnh, tuổi vị thành niên như cái cây đang lớn, cần có sự tư vấn uốn nắn, giúp các em chăm sóc SKSS, sống lành mạnh. Nhà trường - gia đình - xã hội thiết lập thành một hệ thống giáo dục, định hướng để các em có nhận thức đúng, phát triển tâm, sinh lý bình thường, khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần.

Bài, ảnh: LINH TUỆ