TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế |
Theo TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế, Việt Nam đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên cần nguồn lực lớn, gia tăng nhu cầu tuyển dụng về nhân lực bán dẫn. Đón đầu nhu cầu này, Đại học Huế đang gấp rút để mở ngành đào tạo về chip bán dẫn.
Trước nhu cầu của xã hội, Đại học Huế đã có những “phản ứng” như thế nào về đào tạo lĩnh vực bán dẫn, thưa ông?
Trong đào tạo, cơ sở giáo dục đào tạo cũng vậy, luôn phải đặt mục tiêu cao nhất là đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Song song với đó, phải luôn có những nghiên cứu, đánh giá, dự báo những lĩnh vực mà xã hội tương lai cần, để xây dựng, triển khai quy trình mở các ngành nghề đào tạo mới tương ứng mang tính đón đầu.
Liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, nhiều dự báo đã chỉ ra rằng, trong 5 - 10 năm tới, cả nước sẽ cần đến 50 nghìn lao động. Đây là lĩnh vực mà Chính phủ đang chỉ đạo các cơ sở đào tạo gấp rút triển khai chương trình đào tạo, sớm cung ứng nguồn lao động chất lượng. Tại kỳ họp Quốc hội mới nhất, cũng đã đề cập đến chuẩn bị nhân lực ngành bán dẫn và khẳng định cần có những chính sách mới để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển; trong đó, có khía cạnh đào tạo.
Sinh viên Đại học Huế tham gia thực hành chế tạo thiết bị điện tử |
Trước bối cảnh đó, vừa qua, Ban Giám đốc Đại học Huế, các phòng, ban liên quan, các trường thành viên và khoa trực thuộc đã làm việc nhiều phiên. Đại học Huế xác định, đây là lĩnh vực rất quan trọng cần phải sớm mở ngành và chuyên ngành đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Cơ sở nào để Đại học Huế triển khai đào tạo lĩnh vực được cho là rất mới này?
Thực ra, lâu nay Đại học Huế đã và đang đào tạo một số ngành, chuyên ngành liên quan đến bán dẫn, chip bán dẫn, vi mạch; hoặc len lỏi trong các ngành đào tạo. Vì những tên gọi khác nhau, thể hiện chưa rõ ràng nên xã hội chưa biết đến nhiều. Có thể kể đến tại Trường đại học Khoa học, có chuyên ngành Khoa học vật liệu, đó là những vật liệu liên quan đến chip bán dẫn. Cũng tại Trường đại học Khoa học, ngành Công nghệ điện tử viễn thông có một nguyên ngành về thiết kế vi mạch. Trường đại học Sư phạm có ngành Vật lý lý thuyết cũng có liên quan đến chip bán dẫn. Tại Trường đại học Nông Lâm có một số ngành về cơ điện tử… ít nhiều liên quan đến bán dẫn nói chung và chip bán dẫn nói riêng.
Từ những cơ sở, nền tảng đó, Đại học Huế xác định, đối với các ngành truyền thống có liên quan đến chip bán dẫn, như Khoa học vật liệu, Công nghệ điện tử viễn thông, Kỹ thuật điện… thì nghiên cứu xây dựng chuyên ngành, lấy tên liên quan đến chip bán dẫn. Theo đó, các trường sẽ hoàn thiện, cập nhật lại chương trình đào tạo sao cho phù hợp.
Ban Giám đốc Đại học Huế cũng giao cho Ban Đào tạo và Công tác sinh viên chủ trì, phối hợp với các trường, khoa để xây dựng ngành đào tạo thí điểm về chip bán dẫn trình Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy trình đang được ban triển khai gấp rút để dự kiến ngay trong năm 2024 sẽ bắt đầu tuyển sinh đào tạo.
Việc mở ngành đào tạo mới cần đáp ứng các yêu cầu về nhân lực và vật lực, Đại học Huế liệu đáp ứng được về các tiêu chí này?
Trên cơ sở các ngành đào tạo truyền thống mà Đại học Huế đã có, năm 2022, lần đầu tiên Hội đồng Đại học Huế phê duyệt quy hoạch ngành nghề đào tạo cho trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ đến năm 2045. Đó là “kim chỉ nam” để cho Đại học Huế, các trường mở ngành, mở nghề mới. Đối với quy hoạch này, cũng như các quy hoạch khác đều có tính mở, hàng năm có thể rà soát, bổ sung những ngành nghề phù hợp, hay loại bỏ ngành nghề không còn phù hợp.
Từ cơ sở quy hoạch, Đại học Huế đã bổ sung ngành đào tạo chip bán dẫn. Cũng như các ngành đào tạo khác, khi mở ngành mới, ngành chip bán dẫn và Đại học Huế triển khai phải tuân thủ các quy định theo Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định chung về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo. Để mở được ngành đào tạo, cơ sở đào tạo phải đáp ứng hai điều kiện quan trọng về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất.
Về điều kiện nhân lực, Đại học Huế khẳng định có đội ngũ giảng viên chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Rất nhiều giảng viên được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài và trong nước về lĩnh vực bán dẫn. Đặc biệt, là Khoa Điện, Điện tử và Công nghệ vật liệu (Khoa Vật lý trước đây) của Trường đại học Khoa học có thể nói là “cái nôi” về đào tạo chip bán dẫn trong cả nước.
Về cơ sở vật chất, nhất là phòng thực tập, thực hành, qua khảo sát, thống kê, quả là chưa đảm bảo được yêu cầu. Đây là yếu tố mà Đại học Huế đang tập trung để khắc phục trong thời gian đến để đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo.
Ông có thể nói rõ hơn các giải pháp để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất đào tạo chip bán dẫn mà Đại học Huế sẽ triển khai?
Có hai giải pháp được triển khai cùng lúc. Đầu tiên là triển khai xây dựng các dự án liên quan đến ngành bán dẫn để xin nguồn từ Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giải pháp thứ hai được xác định là Đại học Huế sẽ tiến hành làm việc với các doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bán dẫn. Cụ thể, trong tháng 11/2023, Đại học Huế sẽ tổ chức hội thảo, mời các doanh nghiệp đến tham dự. Đại học Huế sẽ mời các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, theo hình thức doanh nghiệp đầu tư sau đó sử dụng nguồn lao động, như mô hình mà Tập đoàn FPT đầu tư cơ sở vật chất công nghệ thông tin tại Trường đại học Khoa học vừa qua. Bên cạnh đó, hợp tác với doanh nghiệp hỗ trợ nơi thực tập, thực hành cho sinh viên.
Trong hợp tác với doanh nghiệp, Đại học Huế cũng sẽ mời doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo. Doanh nghiệp sẽ góp ý, bổ sung các kỹ năng, để sinh viên sau khi ra trường không cần phải đào tạo lại các kỹ năng mềm.
Một tín hiệu tích cực nữa là đầu tháng 11/2023, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ đã đến thăm và làm việc với Đại học Huế. Tại đây, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ khẳng định sẽ là cầu nối hợp tác giữa các trường đại học tại Hoa Kỳ với Đại học Huế, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch.
Xin cảm ơn ông!