Xúc tiến, quảng bá du lịch tốt sẽ thu hút du khách |
Những khởi sắc
Mới đây, ngành du lịch Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với hai tỉnh, thành bạn là Quảng Nam, Đà Nẵng tổ chức chương trình giới thiệu du lịch tại Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), Kuala Lumpur, Malaysia (ngày 23/10). Rất nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được cơ quan quản lý và 22 đơn vị, doanh nghiệp du lịch của 3 tỉnh, thành giới thiệu đến các đối tác và du khách quốc tế. Đáng chú ý, những thông tin giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch mới và dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp đến các đối tác tại Malaysia hay chiếu phim, trưng bày hình ảnh về văn hóa, du lịch, sản phẩm OCOP Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế được những người làm du lịch nước bạn đánh giá cao.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch cho biết, ở Malaysia, ngành du lịch 3 địa phương đã tổ chức được không gian (B2B) để các doanh nghiệp du lịch tiếp cận, trao đổi, giới thiệu thông tin, chào bán các sản phẩm, dịch vụ du lịch và ký kết hợp tác, phát triển thị trường với các đối tác; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác truyền thông, quảng bá du lịch giữa Trung tâm Xúc tiến du lịch của 3 tỉnh, thành và Hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam. Một điều đặc biệt nữa là 3 địa phương cũng đã kết hợp tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế ITB ASIA được tổ chức tại Marina Bay Sands, Singapore từ ngày 25-27/10. Từ những hoạt động thiết thực, kỳ vọng khách du lịch từ Malaysia, Singapore và khu vực ASEAN cũng như từ các thị trường chuyển tiếp khác sẽ tăng trưởng trở lại và sẽ là một trong các thị trường khách quốc tế trọng điểm đến Huế nói riêng, các tỉnh, thành miền Trung Việt Nam nói chung.
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, năm 2023 là thời điểm ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng phát triển mạnh mẽ trở lại, nhất là trong thu hút khách quốc tế. Thông thường, mùa cao điểm đón khách quốc tế thường kéo dài từ tháng 9 năm trước cho đến tháng 3 năm sau. Do đó, ngành du lịch cũng triển khai công tác xúc tiến, quảng bá, khai tác tốt nhất lợi thế thu hút khách quốc tế, tăng doanh thu cho du lịch.
Số liệu công bố của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, dù đã bước vào mùa mưa, nhưng trong tháng 10/2023, lượng khách quốc tế đến Huế ước đạt gần 77.200 lượt, đạt hơn 113% so với tháng trước và hơn 259% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính lượng khách trong cả 10 tháng đầu năm, Thừa Thiên Huế đã đón gần 824.500 lượt khách quốc tế, đạt hơn 604% so với cùng kỳ năm trước, một con số ấn tượng. Thừa Thiên Huế đã duy trì và phát triển được các thị trường khách quốc tế truyền thống, trong đó top 10 thị trường khách hàng đầu đến Huế vừa qua là Đài Loan, Malaysia, Tây Ban Nha, Úc, Mỹ, Thái Lan, Anh, Đức, Pháp, Hàn Quốc.
Tập trung các thị trường khách trọng điểm
Trên thực tế, những cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường khả năng thu hút khách đang hiện hữu. Đặc biệt là ngày 15/8, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực với những điều chỉnh về thị thực theo hướng cởi mở hơn đã mở ra một lộ trình thông thoáng để Việt Nam rộng cửa đón khách quốc tế. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững được các chuyên gia đánh giá là chính sách mang tính động lực, tạo đòn bẩy mạnh mẽ để du lịch Việt Nam có những bước tiến dài, thu hút khách quốc tế.
Với Thừa Thiên Huế, cùng với những lợi thế về mặt chính sách trên, việc Nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Phú Bài đi vào hoạt động mở ra nhiều triển vọng. Nhiều đường bay quốc tế đã được mở ra, doanh nghiệp du lịch cũng nỗ lực phối hợp để tổ chức các chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến) đưa khách đến và đi từ nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, việc tận dụng lợi thế lại rất cần sự nỗ lực chung của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp du lịch và các ban, ngành liên quan. Bên cạnh yêu cầu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, kích thích khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, cần đặc biệt quan tâm tới công tác xúc tiến, quảng bá ở những thị trường du lịch trọng điểm. Cách làm cũng phải cần nghiên cứu để tổ chức bài bản, hiệu quả hơn nữa.
Đơn vị chức năng cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức truyền thông marketing phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng thị trường, từng giai đoạn. Bên cạnh đó, cần tập trung, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ marketing du lịch; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông du lịch, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đơn vị báo chí truyền thông lớn trong nước và quốc tế.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, trước định hướng là quảng bá Thừa Thiên Huế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, kinh đô ẩm thực, kinh đô áo dài thì Sở cũng đang phối hợp với một số đối tác để số hóa 3D một số món ẩm thực của Huế và xây dựng một số video clip hay thu, ghi âm lại phần trình diễn, hướng dẫn các món ẩm thực của các nghệ nhân. Bên cạnh đó, ngành du lịch đang phối hợp một số đối tác để triển khai truyền thông trên các nền tảng số, kết nối với các kênh quảng bá trong và ngoài nước để đưa hình ảnh, thông tin của điểm đến Thừa Thiên Huế rộng hơn, sâu hơn, hiệu quả hơn ra quốc tế.