Dự án Hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê (TP. Huế) thiếu mặt bằng “sạch” để thi công giai đoạn 2 |
Dự án Hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê được khởi công vào cuối tháng 12/2021, với tổng mức đầu tư 285 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư.
DA được chia làm 3 gói thầu (3 giai đoạn), sau một thời gian thi công, đến nay gói thầu số 9 (giai đoạn 1) đã hoàn thành trên 90% giá trị xây lắp; gói thầu số 16 (giai đoạn 2) mới hoàn thành khoảng 25% giá trị xâp lắp và giai đoạn 3 đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đấu thầu để triển khai thi công vào đầu năm 2024.
Tại gói thầu số 9 bao gồm toàn bộ phần xây lắp tuyến kè sông Phổ Lợi đoạn qua thôn Phú Khê, thôn Phò An, thôn Mỹ An; nạo vét, kè gia cố bảo vệ hai bờ hói Phú Khê và xây dựng cầu Mỹ An, dự kiến hoàn thành tháng 12/2023 với tổng mức đầu tư 85 tỷ đồng. Các hạng mục gói thầu này do liên danh 3 nhà thầu Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế, Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo, Công ty CP 1-5 triển khai thi công.
Đến nay các hạng mục gói thầu đã hoàn thiện. Tuy nhiên, ghi nhận của PV cho thấy, việc thanh thải bùn đất trên các tuyến sông, hói vẫn chưa thực hiện. Cụ thể, từ đoạn đường Võ Tử Thành đi về đến khu vực giáp ranh TPD Nam Thượng và Tây Trì Nhơn (phường Phú Thượng, TP. Huế), hàng trăm khối đất đá vẫn nằm ven hói Phú Khê chưa được giải phóng. Đây là lượng đất đá được nạo vét trong quá trình thi công vẫn chưa được vận chuyển đi.
Bùn đất ùn ứ trên hói Phú Khê sau khi gói thầu số 9 đạt 90% giá trị xây lắp |
Bà Đ.T.T, một hộ dân sống ven hói Phú Khê cho biết, dự án triển khai xong phần kè, đường đi bộ góp phần chỉnh trang khu vực này, thế nhưng không hiểu vì sao một khối lượng lớn đất đá vẫn nằm chắn ngang lòng hói, lấp dưới chân cầu gây ngăn cản dòng chảy. Đợt lụt vừa rồi, việc thoát nước chậm, ngập lâu cũng do chưa nạo vét hết lòng sông, hói khu vực này.
Tương tự, từ đoạn hói Phú Khê đi theo Quốc lộ 49, nhiều đoạn sông, hói đã hoàn thiện xây dựng kè, hoặc đang triển khai thi công vẫn chưa được nạo vét, khơi thông dòng chảy, gây ách tắc, nhếch nhác và mất mỹ quan. Dự án này “đa mục tiêu”, trong đó việc nạo vét khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh, giảm thời gian ngập úng kéo dài trong khu dân cư, vùng sản xuất thuộc các xã, phường Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương, TP. Huế, là một trong những mục tiêu trọng tâm.
Trong khi đó, tại gói thầu số 16 bao gồm toàn bộ phần xây lắp tuyến hói Mộc Hàn, Mậu Tài và tuyến đường xe đạp (bao gồm cả cầu Lợi Nông và các đoạn kè bờ tả sông Phổ Lợi còn lại), được khởi công tháng 12/2022 với tổng mức đầu tư 79,5 tỷ đồng lại thi công cầm chừng.
Theo kế hoạch thi công, trong năm 2023 gói thầu này phải đạt 70% giá trị hợp đồng và hoàn thành toàn bộ gói thầu vào ngày 30/6/2024, tuy nhiên đến nay tổng giá trị thực hiện mới chỉ được 25%. Nguyên nhân, toàn tuyến thi công thuộc gói thầu số 16 đến nay vẫn chưa GPMB xong, đơn vị thi công mới đắp đất nền đường một số đoạn.
Ngoài ra, đối với tuyến đường xe đạp phải di dời và tái định cư khoảng 10 hộ dân, nhưng đến nay thành phố vẫn chưa bố trí được đất tái định cư cho các hộ dân. Chủ đầu tư cũng xin được cấp đấu nối cầu Mỹ An và cầu Phò An với Quốc lộ 49.
Các hạng mục còn lại của DA (giai đoạn 3) Ban QLDA đã lập thủ tục điều chỉnh DA do vượt tổng mức đầu tư (tăng khoảng 24 tỷ đồng), điều chỉnh hạng mục thủy đạo hạ lưu cống Diên Trường. Bổ sung cụm công trình thoát lũ qua Tỉnh lộ 2 ra phía cống Lạch Chèo để tránh ngọt hóa do chưa sắp xếp được việc nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá phía sau cống Diên Trường. Bổ sung điện chiếu sáng bờ Tả kè Mộc Hàn…
Hiện nay, chủ đầu tư đã giao mặt bằng cho đơn vị tư vấn đo đạc và hoàn thành đo vẽ lập bản đồ đền bù; đang đợi quyết định điều chỉnh dự án để làm thủ tục thu hồi đất giai đoạn 3. Dự kiến gói thầu sẽ triển khai thi công vào đầu năm 2024.
Ông Đặng Ngọc Quốc An, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Ban QLDA cho biết, nguyên nhân chưa thanh thải hết bùn đất ven các sông, hói thuộc DA là do khi thi công, các đơn vị gặp khó khăn trong việc đưa phương tiện cơ giới vào để xử lý nạo vét.
Cụ thể, lòng đường ở khu vực này hẹp, xe không thể quay đầu, một số đoạn lại vướng mặt bằng chưa thể lưu thông. Ở một số khu vực đơn vị thi công phải nạo vét đất bùn bằng xà lan chứa máy múc nhỏ. Sắp đến khi hoàn thành các hạng mục, chủ đầu tư sẽ yêu cầu đơn vị thi công xử lý số đất bùn chưa thanh thải này.
Cũng theo ông An, khó khăn nhất hiện nay là giai đoạn 2 của DA, công tác GPMB chưa được chú trọng dẫn đến đơn vị thi công không có mặt bằng sạch để triển khai. Các địa phương còn chậm xác định nguồn gốc đất của các hộ dân, do có nhiều biến động trong quá trình sử dụng đất. Để đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư cũng đã đề nghị UBND TP. Huế quan tâm đẩy nhanh công tác GPMB cho DA.
Mục tiêu đầu tư xây dựng của DA ngoài nạo vét, khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu thoát lũ, còn chống sạt lở bờ những đoạn xung yếu trên tuyến sông, hói để bảo vệ nhà cửa, đất sản xuất và cơ sở hạ tầng dọc hai bên bờ; khơi thông dòng chảy, tạo cảnh quan môi trường khu vực, thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch sinh thái. Đồng thời, đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và giao thông thủy nội địa trong vùng; giảm tối đa ảnh hưởng của dòng chảy lũ cho hơn 300ha vùng nuôi trồng thủy sản trên đầm phá dọc hai bên tuyến thủy đạo sau cống Diên Trường và tạo thành tuyến đường đi xe đạp từ trung tâm TP. Huế về phường Thuận An, góp phần phát triển du lịch.