Chị Thuyên (áo trắng) phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi lợn |
Gắn bó với công tác hội hơn hai mươi năm và giữ nhiệm vụ CHT từ năm 2013 đến nay, chị Thuyên luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của hội, được hội viên tín nhiệm.
Bằng trách nhiệm, nhiệt huyết, chị luôn phổ biến các chủ trương, chính sách, các chuyên đề có liên quan đến phụ nữ cho hội viên nắm, nhất là các chương trình, dự án, các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao để chị em học hỏi và làm theo. Chị đứng ra kêu gọi hội viên xây dựng các mô hình như “Hũ gạo nghĩa tình”, “Ngôi nhà xanh”… để tạo kinh phí, kịp thời giúp đỡ, chia sẻ cùng các chị em có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật. Chị thành lập các câu lạc bộ thể dục, thể thao để chị em tập luyện, sinh hoạt.
Với cách làm đó, đời sống vật chất và tinh thần của hội viên phụ nữ trong thôn được nâng lên, phong trào phụ nữ ở địa phương phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Là một người chăn nuôi lợn có tiếng ở xã, công việc nhà của chị tuy vất vả, hằng ngày phải thức khuya, dậy sớm, nhưng vẫn sắp xếp thời gian một cách hợp lý, tích cực tham gia các cuộc họp, các buổi sinh hoạt định kỳ của chi hội và hội phụ nữ xã.
Vừa mới cùng chồng đi lắp dàn rạp đám cưới cho khách về, vào nhà chị Thuyên lại xắn áo, xắn quần vệ sinh, tắm rửa và cho đàn lợn ăn.
Bắt đầu chăn nuôi lợn cách đây 20 năm, nhưng do vốn liếng ít nên chị chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng khi tích cực tham gia hoạt động hội, chị thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, tiếp xúc với các mô hình, điển hình phát triển kinh tế. Chị mạnh dạn vay vốn từ nguồn vốn ủy thác cho vay qua kênh phụ nữ để xây dựng lại chuồng trại, mua thêm con giống và thức ăn để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Năm 2012, chị bắt đầu nuôi với số lượng lớn, từ 100 con/lứa. Từ những kinh nghiệm được tích lũy, học hỏi và áp dụng thêm những tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, đàn lợn của chị ngày càng đạt hiệu quả. Có được lợi nhuận, chị tiếp tục tái đầu tư, mua thêm máng ăn tự động, xây thêm chuồng trại để mở rộng chăn nuôi. Với 10 ô nuôi, từ lợn giống cho đến lợn thịt, chị nuôi theo hình thức cuốn chiếu để không bị “hụt” lợn thịt cho thương lái.
Năm 2019, khi dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát, dù thiệt hại hơn 200 triệu đồng, nhưng chị không hề nản chí mà đã rút ra thêm nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi.
“Dịch tả lợn châu Phi đến nay vẫn chưa có thuốc trị, nhưng qua đó, tôi nhận ra khâu phòng bệnh, tăng đề kháng cho lợn rất quan trọng. Muốn lợn khỏe mạnh thì phải vệ sinh chuồng trại hàng ngày, đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thông thoáng. Đồng thời phải phun thuốc sát trùng chuồng trại với chu kỳ 1-2 lần/tuần và thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm phòng đúng thời gian. Chất thải được xử lý qua hệ thống hầm bể biogas không những tránh gây mùi, ô nhiễm môi trường xung quanh mà còn giúp gia đình tôi tiết kiệm tiền gas nấu nướng hàng ngày”, chị Thuyên chia sẻ.
Nhờ sự kiên trì, chăm chỉ đến nay kinh tế gia đình chị Thuyên đã ổn định, với thu nhập trên dưới 300 triệu đồng/năm.
Không những chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, chị Thuyên luôn có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, giúp chị em cải thiện kinh tế gia đình. Ngoài việc chăn nuôi, chị còn mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi và sẵn sàng bán nợ để giúp đỡ các chị em mới bắt đầu chăn nuôi mà chưa có vốn.
Bà Hoàng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Thái cho biết: Với những đóng góp tích cực trong các phong trào, hoạt động hội phụ nữ, là tấm gương điển hình hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi, chị Trần Thị Thuyên luôn được mọi người trong thôn, xã quý mến, tin yêu, được Hội LHPN cấp trên biểu dương, khen thưởng. Chị là một tấm gương phụ nữ tiêu biểu để nhiều chị em học tập, làm theo...