Người dân Hương Xuân đang nỗ lực xây dựng thương hiệu ổi VietGAP 

Dọc theo con đường dẫn vào các tổ dân phố Trung Thôn, Liễu Nam, Xuân Tháp... của phường Hương Xuân, những vườn ổi nối tiếp nhau bạt ngàn, xanh mướt. Giống ổi Song Liễu bén duyên ở Hương Xuân từ những năm 1986. Nhờ đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, ổi Hương Xuân có hương vị đặc trưng ngọt mát, thơm, giòn, khác biệt với ổi lai trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Thúy, một trong những hộ đầu tiên mở rộng diện tích sản xuất ổi theo quy mô hàng hóa ở Hương Xuân kể, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi đã đưa hơn 4.500 gốc ổi vào trồng trên diện tích 9 sào đất thay thế cho những cây trồng hiệu quả kinh tế thấp. Nhờ phù hợp với chất đất, khí hậu, chỉ sau 6 tháng cây ổi đã cho thu hoạch với quả tròn đều, da bóng, ít hạt, chắc và ngọt đậm. Trước đây, cây ổi chỉ cho quả làm 2 đợt chính trong năm từ tháng 6 đến tháng 9 và từ tháng 11 đến tháng 12 nên năng suất, hiệu quả kinh tế chưa cao. Tuy nhiên, khi gia đình áp dụng những kỹ thuật như chủ động bấm ngọn, tuốt lá, cung cấp đủ dinh dưỡng để cây phục hồi, nảy chồi và ra lộc, ổi ra quả quanh năm và tập trung nhiều vào những tháng giáp Tết Nguyên đán. Nhờ đó, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Được biết, trung bình mỗi năm, gia đình bà thu hoạch từ 10 - 12 tấn quả, doanh thu 200 - 230 triệu đồng/năm, lợi nhuận khoảng 110 - 120 triệu đồng/năm.

Diện tích trồng ổi thương phẩm trên địa bàn phường Hương Xuân hiện khoảng 45ha, trong đó có đến 35ha của 28 hộ gia đình tham gia Tổ hợp tác sản xuất ổi VietGAP, tập trung ở các vùng Trung Thôn, Liễu Nam, Xuân Tháp. Giá trị kinh tế mang lại từ mô hình trồng ổi đạt khá cao. Trên thị trường, ổi thương phẩm Hương Xuân từng bước đã khẳng định về chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Khi được hỏi về quá trình xây dựng thương hiệu ổi VietGAP Hương Xuân, chị Nguyễn Thị Thịnh, Bí thư Đoàn phường, Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất ổi VietGAP Hương Xuân cho biết: Phong trào chuyển đổi đất màu, đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây ổi thương phẩm phát triển mạnh trên địa bàn phường Hương Xuân những năm gần đây. Qua số liệu tổng hợp, trên địa bàn phường có khoảng 36,5ha ổi đang cho thu hoạch, giá trị kinh tế mang lại từ mô hình trồng ổi đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây trồng này, Hội nông dân phường đã chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hương Trà tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng mô hình trồng ổi thương phẩm hữu cơ theo quy trình VietGAP cho các hội viên nông dân. Hiện nay trên địa bàn phường đã đưa vào ứng dụng mô hình trồng ổi thương phẩm theo phương pháp sản xuất sản phẩm hữu cơ với diện tích trên 5ha tại tổ dân phố Trung Thôn, Xuân Tháp...

Cũng theo chị Thịnh, trồng và chăm sóc cây ổi không khó. Song, để ổi ra quả to, mẫu mã đẹp, chất lượng quả tốt thì cần phải thực hiện theo đúng quy trình. Một tháng trước khi ổi ra hoa, cần phải cung cấp thêm dinh dưỡng để cây ra hoa nhiều hơn. Khi quả đạt đường kính từ 2,5 - 3cm phải bọc túi nilon để tránh côn trùng, sâu bệnh và nấm...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường Hương Xuân lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định, phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong các chương trình trọng điểm của địa phương. Do đó việc xây dựng thương hiệu ổi thương phẩm hữu cơ phường Hương Xuân theo hướng bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến. Qua đó sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định thị trường và tăng thu nhập cho người nông dân trồng ổi. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều cơ quan, đơn vị đã chung tay giúp xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể và tạo vùng sản xuất tập trung cho ổi Hương Xuân. Hiện sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu với đầy đủ các bộ nhận diện, truy xuất nguồn gốc; thành lập Tổ hợp tác sản xuất ổi VietGAP.

Chủ tịch UBND phường Hương Xuân, ông Trần Lưu Đức cho biết: Nhằm nâng cao giá trị kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm ổi Hương Xuân trên thị trường, UBND phường sẽ hỗ trợ Tổ hợp tác sản xuất ổi VietGAP để liên kết các hộ sản xuất ổi theo quy trình VietGAP và tiến hành thu mua, tiêu thụ sản phẩm, nhất là tại các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh, để sản phẩm ổi của bà con luôn có thị trường ổn định.

Bài, ảnh: Trí Dũng