Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ ý nghĩa mặc cổ phục với học sinh 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã định hướng “tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai”. Chính vì thế, giáo viên và học sinh Trường THCS Chu Văn An đã triển khai nhiều trải nghiệm liên quan đến cổ phục, giúp lan tỏa trong đời sống đương đại.

Em Trịnh Thị Khánh Linh, học sinh lớp 9, Trường THCS Chu Văn An hào hứng chia sẻ những gì em đọc và học hỏi được về áo dài ngũ thân. Từ đầu thế kỷ XVIII áo dài ngũ thân đã phổ biến ở Đàng Trong. Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã tiến hành cải cách nhiều mặt, trong đó có chế độ y quan với nhiều điểm đổi mới. Áo dài ngũ thân được định chế thành thường phục của toàn dân”.

Nguyễn Lê Vĩnh Khang, lớp 9,Trường THCS Chu VănAn, người bạn đồng hành trong dự án lan toả vẻ đẹp và giá trị cổ phục Huế với Khánh Linhchia sẻ về những nguyên tắc khi đưa cổ phục vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường rằng: “Đưa cổ phục vào nhà trường đầu tiên cần hiểu đặc điểm tâm sinh lí, trình độ nhận thức của học sinh. Chỉ khi hiểu được nguồn gốc, triết lí, giá trị nhân văn của bộ áo dài đang mặc, các bạn mới thực sự cảm thấy yêu quý, tự hào, muốn lan toả nó đến với người khác”.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An mặc cổ phục 

Theo em Nguyễn Lê Vĩnh Khang, khi đọc về cổ phục Huế em vô cùng yêu mến, thích thú; khi nghiên cứu kĩ hơn thì thấy mê say. Và khi có cơ hội gặp gỡ nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên là Giám đốc Sở Văn hoá và Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, em cùng các bạn như được tiếp thêm động lực để theo đuổi ước mơ lan toả cổ phục Huế.

 “Em đã thật sự xúc động khi nghe bác Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ mặc chiếc áo dài ngũ thân Huế là mang trên mình giá trị đạo lí làm người. Cổ phục Huế chuyển tải cả giá trị triết lí lẫn thẩm mĩ. Chúng em cũng nhận được ở một người nhiều năm nghiên cứu, gắn bó với áo dài ngũ thân xứ Huế lời khuyên về việc đưa cổ phục vào trường học. Bác nhắc chúng em việc lựa chọn đúng mẫu áo dài ngũ thân, lựa chọn đúng những dịp trang trọng để tôn vinh vẻ đẹp, ý nghĩa truyền thống của bộ trang phục”, Nguyễn Lê Vĩnh Khang hào hứng.

Cô giáo Ngô Quang Bảo Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An và cô giáo Nguyễn Phước Thư Quỳnh, nhân viên thư viện trường khi được hỏi tâm đắc về điều gì nhất trong hành trình cùng các bạn học sinh thực hiện ước mơ lan toả vẻ đẹp, giá trị cổ phục Huế trong đời sống đương đại, trong nhà trường phổ thông, hai cô nhấn mạnh việc chú ý “sự hài hoà với bối cảnh hiện đại” khi thực hiện “khôi phục hoặc làm sống dậy trang phục truyền thống trong nhà trường”, tránh sự khiên cưỡng hoặc thiếu chiều sâu.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá Huế nói chung và cổ phục nói riêng luôn có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi được tích hợp trong nhà trường phổ thông. Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, thật hạnh phúc khi bắt gặp những người trẻ say mê nghiên cứu, tìm tòi để thực hiện ước mơ lan toả vẻ đẹp, giá trị cổ phục Huế.

Mai Lan