Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tháng 11 vừa qua, các ĐBQH đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), có 30 lượt ý kiến phát biểu.

Ngày 23/11/2023, Bộ Nội vụ đã có Báo cáo 6847 về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận tổ và ý kiến thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các vị ĐBQH tập trung phát biểu về một số vấn đề lớn như: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phòng lưu trữ Quốc gia Việt Nam, thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc các ngành: Quốc phòng, công an, ngoại giao; lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; hoạt động lưu trữ tư và hoạt động dịch vụ lưu trữ, cùng các vấn đề khác mà ĐBQH quan tâm.

Tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo luật, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu quan tâm đến quy định về lưu trữ tư, trong đó dự thảo đã dành một chương riêng về lưu trữ tư, nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các quy định Nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư để đảm bảo tính khả thi.

 Đại biểu Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn 

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung nghĩa vụ và tách bạch giữa quy định quyền và nghĩa vụ trong Điều 46 cho rõ nội hàm hoặc chuyển khoản 1 và khoản 5 tại Điều 6 vào Điều 47 cho phù hợp. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cần bổ sung làm rõ quyền sở hữu của tổ chức cá nhân đối với tài liệu lưu trữ tư để quy tụ trí tuệ và di sản giá trị ở khu vực tư nhân trong hệ thống tài liệu lưu trữ chung của địa phương, của quốc gia.

Bên cạnh đó, quy rõ phạm vi quy định trách nhiệm thông báo và thực hiện quyền ưu tiên mua của Nhà nước đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt ở khoản 2 Điều 47 bằng việc bổ sung cụm từ “trong trường hợp tài liệu đó là tài sản thuộc di tích lịch sử văn hóa”; đồng thời đề nghị chỉnh lý tương tự như trên ở khoản 2 Điều 51 của dự thảo luật cho phù hợp.

Cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định về một số tài liệu lưu trữ của các tổ chức tôn giáo theo hướng lưu trữ lịch sử của nhà nước và nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, bởi một số tài liệu lưu trữ của tổ chức tôn giáo có nội dung, có giá trị đối với công tác nghiên cứu và hoạt động quản lý Nhà nước.

Về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, đại biểu đề nghị điều chỉnh nhan đề của Chương 4 và thể hiện được tính bao hàm. Cùng với đó, tài liệu số là sản phẩm của chuyển đổi số ngành lưu giữ, đề nghị tách riêng điều khoản để làm rõ lộ trình, nguồn lực, cơ quan đầu mối quản lý và các cái điều kiện cần thiết khác, nhằm không chỉ để nâng cấp hạ tầng hạ tầng kỹ thuật hạ tầng hiện có mà còn thiết lập mới vận hành bảo trì quản lý tài liệu lưu trữ số trong suốt quá trình hoạt động.

Về cơ quan chuyên ngành thúc đẩy chuyển đổi số, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị chỉ giao một cơ quan đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc số hóa tài liệu lưu trữ, xây dựng kho lưu trữ số dùng chung cho cơ quan Nhà nưước ở Trung ương và địa phương bảo đảm chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và thuận tiện cho việc phân quyền quản lý, vận hành, trao đổi chia sẻ cơ sở dữ liệu lưu trữ…

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình ý kiến đại biểu nêu. Ảnh: quochoi.vn 

Giải trình vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, toàn diện, phong phú và có rất là nhiều các ý kiến có chất lượng. Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng trân trọng tiếp thu tối đa, nghiên cứu để tiếp tục hoàn phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh dự thảo luật, đáp ứng được mong mỏi chung của đại biểu Quốc hội, cũng như của toàn dân.

Về một số nội dung cụ thể, Bộ trưởng đã giải trình làm rõ hơn về một số nguyên tắc chung trong quá trình sửa đổi Luật lưu trữ. Theo đó, đây là luật chuyên ngành nhưng lại là luật mà có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa và khoa học, góp phần tạo nên những giá trị gắn kết lịch sử quá khứ, hiện tại và tương lai.

Liên quan đến lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là nội dung mới được thiết kế thành một chương riêng, nhằm mục đích hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền điện tử và xã hội số, công dân số. Trong quá trình xây dựng luật, ban soạn thảo cố gắn đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, về giao dịch điện tử, về an ninh mạng, về bảo vệ bí mật nhà nước… đáp ứng được yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu, thông tin về tài liệu lưu trữ…

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong phiên họp chiều nay, có 22 lượt ý kiến phát biểu, không có đại biểu tranh luận. Các ý kiến phát biểu sôi nổi, khẩn trương, ngắn gọn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ với nhiều nội dung mới.

Đồng thời các đại biểu cũng đề cập nhiều vấn đề từ thực tiễn phong phú sinh động, từ cơ sở, từ yêu cầu kế thừa và phát huy các yếu tố truyền thống, kết hợp với hiện đại hóa, thực hiện có hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác lưu trữ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, yêu cầu đặt ra với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đặt ra là tiếp tục tiếp thu đầy đủ, xác đáng, nghiêm túc ý kiến của ĐBQH để hoàn chỉnh dự thảo Luật.

Ông Định nêu rõ, ngay sau kỳ họp này, UBTVQH sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thẩm tra, cơ quan trình và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội, lấy thêm các ý kiến của chuyên gia, cơ quan, các nhà quản lý, các hội nghị, hội thảo để hoàn chỉnh dự thảo Luật, báo cáo tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.


LT