Cầu đi bộ gỗ lim là cây cầu nổi tiếng ở Huế sau thời gian đưa vào sử dụng |
Tại buổi giới thiệu ấn phẩm “Kiến trúc lan can cầu ở Huế - Từ ý tưởng đến thực tế”, do Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế thực hiện, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ rằng, Huế đang chuyển mình, thay đổi và đẹp lên từng ngày. Huế thực sự đang dần trở lại với vị thế vốn có của mình: “Sang trọng và quyến rũ”. Huế đang tiến đến rất gần với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Trong tiến trình đó, Huế tập trung phát triển mạnh mẽ toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị.
Huế nổi tiếng thơ mộng, xinh đẹp và quyến rũ bởi những cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Cùng với những kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của một Kinh đô xưa đã làm cho Huế thực sự là “một tuyệt tác của bài thơ đô thị”.
Nói đến Huế, mọi người nghĩ ngay sông Hương, dòng sông của thơ ca. Mà Huế đâu chỉ có sông Hương, cả hệ thống sông trong lòng đô thị với cảnh sông nước hữu tình của sông An Cựu, sông Đông Ba, sông Ngự Hà... đã tô điểm thêm những nét lung linh, sang trọng vùng đất Cố đô. Việc làm đẹp cho những dòng sông là chủ đề muôn thuở của bao thế hệ người Huế, là trăn trở của nhiều nhà nghiên cứu, kiến trúc sư để Huế có thể đẹp trên “từng centimet”.
Mỗi lần qua cầu Trường Tiền, sẽ không khó để bắt gặp được các cặp đôi chọn cây cầu này làm nơi ghi dấu ấn kỷ niệm trăm năm. Hay mỗi mùa hoa phượng lại rực đỏ, tấp nập du khách đến bên chân cầu để check-in, chứng minh cả thế giới rằng: “Tôi đã đến Huế”. Có lẽ sẽ ít người để ý, lan can của cầu Trường Tiền cũng trở thành chi tiết trong những hình ảnh khó quên đó. Lâu dần trở thành một chi tiết quen thuộc và có nét đặc trưng riêng cho cây cầu.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, hệ thống lan can các cầu đường bộ ở TP. Huế còn thiếu đồng bộ, kiến trúc lan can còn mỗi nơi một kiểu. Sự đơn điệu, thiếu đặc trưng, chưa hấp dẫn là điều có thể thấy ở phần lớn các cầu trên địa bàn. Đổi lại, nếu hệ thống cầu có kiến trúc lan can mang đặc trưng Huế, sẽ góp phần tạo bộ mặt đô thị có những nét đặc trưng, hiện đại, phát huy giá trị đô thị văn hóa di sản. Chính vì thế, xây dựng bộ lan can mẫu của các cây cầu, đậm kiến trúc Huế để cầu đường bộ là điểm nhấn, điểm thu hút của mọi người dân, du khách khi đến với Huế là điều rất cần thiết. Xa hơn nữa, hệ thống mô hình lan can sẽ là bộ dữ liệu góp phần nhận diện thương hiệu kiến trúc đặc trưng của Huế,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cũng đánh giá rằng, lan can cầu có thể là chỉ tiết nhỏ, nhưng lại là một phần thẩm mỹ quan trọng không thể thiếu của cầu đường bộ. Tuy quy mô không lớn, nhưng có thể xem lan can là yếu tố quan trọng góp phần tạo mỹ quan đô thị, quảng bá giá trị văn hóa lịch sử, nâng cao nhận thức cho người dân và du khách.
Trong ấn phẩm “Kiến trúc lan can cầu ở Huế - Từ ý tưởng đến thực tế” vừa được mắt đã giới thiệu 32 phương án, là mô hình kiến trúc mẫu lan can do nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, giảng viên, sinh viên thực hiện. Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo TP. Huế và giới chuyên môn, các mẫu lan can được giới thiệu là khởi đầu cho những ước mơ, ý tưởng lớn hơn về các mẫu lan can cầu trong tương lai; là dữ liệu tham khảo giá trị, có ích cho những dự án có liên quan khi xây dựng cầu đường bộ ở Huế sau này.
Trong 32 mẫu thiết kế lan can cầu được giới thiệu trong ấn phẩm, đã có hai mẫu đã được thi công thực tế. Đó là tại cầu đi bộ ở đường Kim Long và mẫu lan can sử dụng module Điềm Phùng Thị (module là những đơn vị nhỏ được cấu thành trong một tổng thể) cũng đã được chọn để thi công ở cầu Kho Rèn.
Ông Phan Ngọc Thọ mong muốn “kho ý tưởng” mô hình lan can cầu đường bộ Huế sẽ được tiếp tục bổ sung, lan tỏa hơn nữa. Không chỉ thu hút sự vào cuộc của Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học mà cả các kiến trúc sư, các đơn vị tư vấn thiết kế trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Khi cùng chung tay, đồng lòng, phát huy trí tuệ, tài năng và lòng yêu Huế thì chắc chắn đô thị kiến trúc Huế sẽ đẹp hơn từng ngày, góp phần biến “Giấc mơ Huế” trở thành hiện thực.