Hàng viện trợ tích cực được đưa vào Dải Gaza, nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Hòa giải viên Qatar ngày 27/11 cho biết thỏa thuận ngừng bắn 4 ngày ban đầu đã được kéo dài thêm 2 ngày, sau 7 tuần giao tranh khiến hàng nghìn người thiệt mạng và gây nhiều tổn thất cho Dải Gaza.
“Tôi thực sự hy vọng rằng điều này sẽ cho phép chúng tôi tăng cường hơn nữa viện trợ nhân đạo cho người dân ở Gaza đang phải chịu rất nhiều đau khổ - mặc dù ngay cả với khoảng thời gian gia hạn đó, sẽ không thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu cấp thiết của mọi người dân nơi đây”, Tổng thư ký Guterres nói.
LHQ đã chuyển một số viện trợ nhân đạo tới Dải Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Rafah từ Ai Cập. LHQ cũng mong muốn có thể sử dụng cửa khẩu biên giới Kerem Shalom do Israel kiểm soát.
“Tôi hy vọng rằng sẽ có thể có những tuyến vận chuyển xuyên biên giới khác vì chúng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối và cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc kiểm soát của phía Israel. Vì vậy, tôi rất hy vọng điều này sẽ xảy ra”, ông Guterres bày tỏ.
Trước đó cùng ngày, ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng thư ký Guterres, cho biết các cuộc đàm phán phải tiếp tục với mục đích biến lệnh ngừng bắn tạm thời ở Gaza thành lệnh ngừng bắn nhân đạo hoàn toàn.
Trong một tuyên bố, ông Dujarric khẳng định “LHQ sẽ tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực này bằng mọi cách có thể” và cho biết Tổng thư ký Guterres một lần nữa kêu gọi thả các con tin bị Hamas bắt giữ ngay lập tức và vô điều kiện.
Theo thỏa thuận, Hamas đã thả thêm 17 con tin bị bắt trong cuộc tấn công khủng bố của nhóm ở miền nam Israel hôm 7/10, nâng tổng số con tin được thả lên 58, Văn phòng điều phối cứu trợ khẩn cấp của LHQ (OCHA) cho biết. Khoảng 117 người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel cũng đã được thả kể từ ngày 24/11.
Được biết, LHQ đã tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza trong khoảng thời gian ngừng bắn suốt những ngày qua và gửi viện trợ đến một số khu vực phía bắc đã bị phong tỏa phần lớn trong nhiều tuần.
Tuy nhiên, khoản viện trợ này hầu như không đáp ứng được nhu cầu to lớn của 1,7 triệu người phải di dời. “Thảm họa nhân đạo ở Gaza đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn”, ông Guterres cảnh báo.
Kể từ ngày 24/11, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã cố gắng cung cấp hỗ trợ lương thực thiết yếu cho 110.000 người tại các khu tạm trú của Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) và cộng đồng sở tại thông qua việc phân phối bánh mì và các gói thực phẩm...
Theo OCHA, giá lương thực ở Gaza đã tăng vọt kể từ khi xung đột bắt đầu. Theo Cục Thống kê Trung ương Palestine, giá bột mì trong tháng 10 đã tăng 65%, trong trong khi giá nước khoáng tăng gấp đôi.
Kể từ khi lệnh tạm ngừng giao tranh có hiệu lực, khí đốt nấu ăn cũng đã được đưa vào Gaza, nhưng OCHA cảnh báo rằng số lượng “thấp hơn nhiều so với nhu cầu”.