Hội LHPN tỉnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bình đẳng giới cho người dân xã Bình Tiến và Bình Thành (thị xã Hương Trà) |
Xóa bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”
Ông H.N., Bình Tiến, thị xã Hương Trà sinh được 4 người con nhưng chỉ có được một đứa con trai, nhưng khi con trai lập gia đình lại chỉ sinh được hai cháu gái. Dù luôn yêu thương hai người cháu gái, nhưng ông vẫn muốn vợ chồng con trai gắng sinh thêm để kiếm đứa cháu trai “nối dõi”.
Vì luôn mong muốn có cháu trai nên ông thường xuyên “nói gần, nói xa” và tạo áp lực đối vợ chồng đứa con trai khiến không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng.
Dù không đồng ý với quan điểm của chồng nhưng bà T., vợ ông N. cũng không biết khuyên chồng như thế nào. Khi Hội LHPN tỉnh về xã tập huấn và tuyên truyền bình đẳng giới, bà T. đã nhanh trí rủ chồng cùng tham dự.
Được trực tiếp nghe những câu chuyện có thật, dẫn chứng thuyết phục và hệ lụy của những định kiến giới, ông N. như được thức tỉnh.
“Cháu nào cũng là cháu, miễn là cha mẹ, ông bà dạy dỗ các cháu tới nơi, tới chốn và luôn mong các cháu ngoan ngoãn. Từ nay, tôi sẽ không yêu cầu vợ chồng con trai phải ráng sinh thêm cho đủ nếp đủ tẻ nữa”, ông N. trải lòng.
Anh H.A.V., xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc thường xuyên say xỉn, “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với vợ chỉ vì vợ không sinh đươc con trai. Nhưng khi được Hội LHPN các cấp tuyên truyền, giải thích là việc sinh con trai hay gái là do người chồng chứ không phải lỗi của người vợ, từ những giải thích về mặt khoa học, những dẫn chứng về việc con gái cũng có thể làm được mọi việc, là người thành đạt nếu được nuôi dạy tử tế anh V. mới có cái nhìn khác đối với vợ, con của mình. Cũng từ đó, anh V. không còn thẹn với bạn bè khi nhắc đến các con gái của mình, bớt rượu chè, tu chí làm ăn.
Bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh, nhất là ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng xâm hại, quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em cũng chưa được ngăn chặn triệt để, không những ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần với nạn nhân, mà còn dẫn tới nhiều hệ lụy gia đình và xã hội.
Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" cũng được thể hiện trong rất nhiều gia đình thông qua tình trạng các công việc nội trợ, chăm sóc con cái, người ốm trong gia đình… được coi là trách nhiệm của người phụ nữ. Việc nhiều phụ nữ cũng cam chịu, tự coi đó là bổn phận, là trách nhiệm của bản thân đã tạo điều kiện cho vấn nạn bất bình đẳng giới tiếp tục tồn tại.
Trang bị thêm kiến thức cho phụ nữ
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau; được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, gia đình; thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn không ý thức được quyền của mình. Chính định kiến giới tồn tại trong một bộ phận gia đình Việt là nguyên nhân cản trở cơ hội học tập của trẻ em gái; hạn chế khả năng cống hiến và hưởng thụ cuộc sống của phụ nữ.
Bà Ngô Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của hội viên về bình đẳng giới. Đồng thời, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực gia đình; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
Hội LHPN tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ sở hội thành lập các câu lạc bộ (CLB) phòng, chống bạo lực gia đình, CLB bình đẳng giới, CLB ông bố, bà mẹ nuôi dạy con tốt. Hiện, 141/141 cơ sở hội thành lập đội phản ứng nhanh giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Hội cũng tổ chức các cuộc đối thoại và tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tăng cường bám sát cơ sở nên đã kịp thời phát hiện và tham gia ngăn chặn một số vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.