Tỷ lệ phá rừng Amazon đã giảm mạnh, cho thấy vẫn còn hi vọng cho Amazon. Ảnh: Tuoitre |
Phân tích của Chương trình Giám sát rừng MAAP của tổ chức phi lợi nhuận Amazon Conservation đưa ra cái nhìn đầu tiên về nạn phá rừng năm 2023 ở chín quốc gia Amazon, trong đó Brazil, Colombia, Peru và Bolivia đều cho thấy tình trạng mất rừng giảm dần.
“Những dữ liệu này cho thấy vẫn còn hy vọng cho Amazon”, Tiến sĩ Matt Finer, nhà sinh thái học và giám đốc MAAP lạc quan cho biết.
Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, giúp hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu vì cây cối ở đây hấp thụ một lượng lớn carbon dioxide (CO2).
Sự sụt giảm nạn phá rừng ở đây trùng hợp với sự chuyển đổi từ năm 2022 sang các chính phủ ủng hộ bảo tồn rừng, dưới thời các tân tổng thống ở Brazil và Colombia.
Các nhà phân tích cho rằng phần lớn sự suy giảm này nằm ở việc thực thi luật môi trường mạnh mẽ hơn ở Brazil - nơi có phần lớn diện tích rừng - dưới thời Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva từ khi nhậm chức vào ngày 1/1/2023. Người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Jair Bolsonaro, đã chủ trương dọn sạch đất rừng nhiệt đới để khai thác mỏ, chăn nuôi gia súc và cho các mục đích khác.
Theo giới chuyên gia, thành công trong việc kiềm chế nạn phá rừng sẽ giúp các nước Amazon có thêm đòn bẩy để thúc đẩy tài trợ bảo tồn tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP28 sắp tới của LHQ.
MAAP cho biết diện tích rừng già Amazon bị phá từ ngày 1/1 đến ngày 8/11 đã giảm xuống còn 9.117 m2, giảm 55,8% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ năm 2019.
Tiến sĩ Carlos Nobre thuộc Đại học Sao Paulo, gọi dữ liệu này là “tin tức tuyệt vời”.
Vào năm 2021, hơn 100 quốc gia - trong đó có nhiều quốc gia từ Amazon - đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng trên toàn cầu vào cuối thập kỷ này. Tiến sĩ Nobre cho biết mức giảm lớn trong một năm như hiện nay khiến ông lạc quan rằng Amazon ít nhất cũng có thể đạt được mục tiêu đó.
Phân tích MAAP cũng dựa trên dữ liệu của Nasa để ước tính rằng Amazon chứa hơn 37 tỷ tấn carbon, sẽ thải vào khí quyển nếu rừng bị phá hủy.
Theo dữ liệu của Liên minh Châu Âu, con số này gần tương đương với 2,5 lần lượng phát thải khí nhà kính từ tất cả các nguồn trên toàn cầu trong năm 2022, từ nhà máy điện than cho đến ô tô, và thậm chí ước tính này có thể thấp hơn thực tế vì có một số lỗ hổng trong dữ liệu.
Phá rừng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất ở các nước vùng Amazon. Tiến sĩ Nobre cho biết, khi mức độ tàn phá giảm xuống, lượng khí thải giảm mạnh sẽ thúc đẩy Brazil và các nước khác tiến tới các cuộc đàm phán về khí hậu COP28 sắp tới của LHQ.
Tổng thống Lula của Brazil đã dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy các nước láng giềng Amazon và các quốc gia rừng nhiệt đới khác kêu gọi các quốc gia giàu có chi trả cho việc bảo tồn rừng.
Brazil là nơi có 60% diện tích Amazon và chiếm phần lớn nhất trong sự suy giảm.
Phân tích độc lập của MAAP cho thấy tỷ lệ mất rừng nguyên sinh ở Brazil đã giảm 59%, điều này khẳng định xu hướng được thể hiện qua dữ liệu do chính phủ nước này cung cấp.
Tiến sĩ Finer cho biết, tỷ lệ phá rừng ở Colombia đã giảm 66,5%, có lẽ nhờ chính sách môi trường của Tổng thống Gustavo Petro hoặc sự thay đổi thái độ về nạn phá rừng của các cựu chiến binh du kích kiểm soát các khu vực rừng. Trong khi đó, diện tích rừng bị mất ở Peru giảm 37%.
Theo dữ liệu từ sáng kiến giám sát Global Forest Watch, Bolivia chứng kiến tình trạng mất rừng gia tăng trong năm 2022, nhưng dữ liệu MAAP cho thấy tình trạng mất rừng ở Bolivia đã giảm gần 60%. Theo Tiến sĩ Finer, mặc dù đất nước này đang phải chiến đấu với các vụ cháy rừng lớn, những phần nhiều các vụ cháy rừng không xảy ra ở Amazon.
Dữ liệu hiện chỉ kéo dài đến ngày 8/11, nhưng thời gian còn lại trong năm là giai đoạn thấp điểm của nạn phá rừng ở phần lớn Amazon do những cơn mưa xối xả ập đến và khiến những kẻ khai thác gỗ khó xâm nhập sâu vào rừng.
Tiến sĩ Finer cho biết, phân tích về tình trạng mất rừng của MAAP dựa trên dữ liệu từ vệ tinh cảnh báo nhanh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu và số liệu cuối cùng hàng năm sẽ cao hơn một chút.
Mất rừng nguyên sinh phần lớn là do nạn phá rừng gây ra bởi con người, đồng thời cũng bao gồm một số nguyên nhân gây mất rừng tự nhiên, chẳng hạn như gió lớn làm đổ cây.