Giá vàng đang đạt đỉnh

Giá vàng lập đỉnh mới

Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch gần đây đang được niêm yết ở mức 2.050 USD/ounce trong khi phiên trước đó chỉ 2.010 USD/ounce. Quy đổi theo giá USD của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng thế giới có giá 60 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí. Hiện, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 10,5% (191 USD/ounce) so với đầu năm 2023.

Cùng với đà tăng này, giá vàng trong nước cũng liên tục tăng và lập đỉnh mới với mức tăng gần 2 triệu đồng trong vòng 1 tuần qua.

Theo khảo sát của phóng viên, trong phiên giao dịch mới đây, giá vàng SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức 73,1 - 74,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 800 nghìn đồng ở chiều mua vào và tăng 1 triệu đồng ở hai chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng SJC ở mức 73,20 - 74,50 triệu đồng/lượng, tăng 700 nghìn đồng ở chiều mua vào và tăng 900 nghìn đồng ở hai chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Nếu tính từ đầu năm đến nay, vàng SJC đã tăng giá khoảng 8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn cũng diễn biến "khó lường" khi tiếp tục lập đỉnh mới tuy nhiên, mức tăng “khiêm tốn” hơn so với tuần trước đó. Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức 61,45-62,45 đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tại cửa hàng vàng Thuận Thành - Duy Mong, giá vàng nhẫn 9999 cũng đang giao dịch ở mức 61,00-61,90 triệu đồng/lượng(mua vào- bán ra). So với mức giá khoảng 54 triệu đồng/lượng hồi đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng 7,5 triệu đồng/lượng tương đương mức tăng 14%. Với mức tăng này, người đầu tư vàng đang nhận lãi cao rất nhiều so với hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.

Cuối năm, nhu cầu mua sắm vàng trang sức sẽ tăng mạnh 

Sức bán không tăng

Trái với nhận định của các cửa hàng vàng, trước thông tin giá vàng tăng nhiều người sẽ mang vàng đi bán chốt lời. Song thực tế, lượng giao dịch mua vào và bán ra tại các hàng vàng không mấy sôi động.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Tuyết, Giám đốc DOJI chi nhánh Huế, dù giá vàng đang tăng tuy nhiên cả sức mua lẫn sức bán vẫn khá bình ổn. Tuy nhiên, thời điểm này, người dân chủ yếu chọn mua vàng nhẫn nhiều hơn so với vàng miếng.

Lý giải cho điều này, bà Tuyết chia sẻ, năm nay, đời sống người dân có sụt giảm đáng kể so với mọi năm. Vì thế, người dân thích lựa chọn các sản phẩm vàng nhẫn nhiều hơn, một phần vì giá vàng nhẫn mềm hơn, thường chênh lệch vàng nhẫn và vàng SJC khoảng từ 13 đến 15 triệu đồng/lượng nên việc người dân cân nhắc lựa chọn vàng nhẫn là điều dễ diểu.

Ngoài ra, một số người cũng có những hiểu lầm về những điều khoản quy định tại Thông tư 12 sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước của Ngân hàng Nhà nước nên cũng có tâm lý thích mua vàng nhẫn hơn. Tuy nhiên, thực tế Thông tư 12 của Ngân hàng Nhà nước chỉ bổ sung Cục Quản lý dự trữ ngoại hối tham gia vào các quy trình giao dịch đấu thầu vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, chứ không liên quan đến hoạt động mua bán vàng miếng SJC của các tổ chức có giấy phép kinh doanh vàng miếng và của các cá nhân đang sở hữu vàng miếng SJC.

Tại các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ cũng không xuất hiện tình trạng mua – bán vàng một cách đột biến. Chủ cửa hàng vàng Thuận Thành - Duy Mong nhận định, các nhà đầu tư vàng sẽ đầu tư chủ yếu vào vàng miếng, vì thế việc mua bán chốt lời sẽ xảy ra nhiều ở phân khúc mua bán vàng miếng và tập trung giao dịch với các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Còn phần đông người Huế chủ yếu mua vàng nhẫn như một hình thức tiết kiệm nên sẽ ít xảy ra tình trạng bán vàng chốt lãi khi giá vàng cao.

Các chuyên gia dự báo, giá vàng trong nước sẽ còn tiếp tục tăng, nhất là vàng trang sức do nhu cầu của người dân có xu hướng tăng ở thời điểm trước tết và trong tết.

 

Bài, ảnh: Hoàng Anh