Nhiều ý kiến tham gia đề xuất lựa chọn sản phẩm quốc gia từ sản phẩm chủ lực của tỉnh tại hội thảo |
Lồng ghép các chương trình, giải pháp hỗ trợ
Ngày 01/02/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157 về Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 và đặt ra mục tiêu tiếp tục hỗ trợ phát triển các sản phẩm quốc gia (SPQG) đã phê duyệt gồm 12 sản phẩm và bổ sung tối thiểu 10 SPQG mới đến năm 2030. Thực hiện Chương trình phát triển SPQG đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 55 và Quyết định 1133 về danh mục gồm 28 sản phẩm chủ lực tỉnh thuộc 8 nhóm đặc sản địa phương, làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ giai đoạn 2022-2025 và các giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh.
Tinh dầu tràm Huế là một trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh đã được cấp chỉ dẫn địa lý |
Bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, để tập trung hỗ trợ phát triển cho các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, ngành KH&CN đã cùng đồng hành với các ngành, địa phương tập trung lồng ghép nguồn lực và tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp hỗ trợ: Phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ, phát triển thương hiệu và cải thiện khả năng thương mại hóa sản phẩm, phát triển thị trường và khuyến công, khuyến nông.
Cụ thể, triển khai nhiều nhiệm vụ KH&CN; hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, đặc sản chủ lực của địa phương như: phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị cho sản phẩm chủ lực sen, nấm, dược liệu; xác lập nhãn hiệu vải Dèng, thịt bò vàng huyện A Lưới, áo dài Huế, sen Huế, ruốc Huế, các đặc sản ẩm thực Huế, xây dựng thương hiệu sản phẩm hữu cơ, hải sản vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm quả thanh trà của tỉnh...
Nhiều sản phẩm chủ lực còn được hỗ trợ theo định mức Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, công bố tiêu chuẩn, hợp chuẩn, hợp quy…
Từ những sản phẩm chủ lực của tỉnh được thông tin tại hội thảo và để nâng tầm sản phẩm chủ lực, đáp ứng các tiêu chí SPQG, ông Nguyễn Tiến Tài, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN cho rằng, bên cạnh thực hiện Chương trình SPQG đến năm 2030, Sở KH&CN cần phối hợp các sở, ngành, địa phương lồng ghép thực hiện các chương trình KH&CN khác để phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương như: Chương trình công nghệ cao, chương trình đổi mới công nghệ, chương trình nông thôn miền núi, chương trình quỹ gen, các chương trình khuyến công, trọng điểm quốc gia, dự án KH&CN...
Chọn sản phẩm có lợi thế và hội đủ tiêu chí
Để có giải pháp tập trung hỗ trợ và lựa chọn ra được một sản phẩm chủ lực của tỉnh trở thành SPQG, thời gian qua, Sở KH&CN đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Tinh dầu tràm Huế, sen Huế, mai vàng Huế, các sản phẩm dược liệu và một số sản phẩm tiềm năng khác để nghiên cứu, đề xuất bổ sung danh mục SPQG.
Chia sẻ tại hội thảo tham vấn, ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cũng gợi ý một số sản phẩm chủ lực rất tiềm năng và có thể phát triển lên SPQG. Theo ông Khoa, riêng ngành nông nghiệp có 4 nhóm sản phẩm, mặt hàng chủ lực, gồm: sản phẩm của các nghề, làng nghề truyền thống; nhóm thủy, hải sản vùng đầm phá; nhóm sản phẩm nông sản; nhóm sản phẩm lâm sản. Qua phân tích thế mạnh từng nhóm sản phẩm, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất đưa sen Huế và các sản phẩm từ sen Huế hay gỗ gia dụng, nguyên liệu và các sản phẩm từ gỗ là sản phẩm chủ lực của quốc gia.
Đại diện Hiệp hội Áo dài Huế, Hiệp hội May mặc tỉnh đề xuất một số sản phẩm cần hỗ trợ để vươn tầm |
Một số ý kiến khác của Sở Công thương, Liên minh HTX tỉnh, Hội Hoàng mai Huế... cũng gợi ý tại hội thảo phát triển các sản phẩm chủ lực thành SPQG như: Tinh dầu tràm Huế, mè xửng Huế, sen Huế, mứt gừng Huế, mai vàng Huế, thủy hải sản đầm phá. Đây đều là những sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý và có tính cạnh tranh cao, có tiềm năng xuất khẩu...
Đại diện Bộ KH&CN, tại hội thảo tham vấn ý kiến, ông Nguyễn Tiến Tài cũng gợi ý, định hướng để các ngành, các cấp, đơn vị liên quan của tỉnh có sự chọn lựa, phát triển đúng sản phẩm chủ lực thành SPQG. Trong đó, chỉ ra cần tập trung thực hiện các giải pháp đáp ứng các tiêu chí đối với SPQG là phải sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, có khả năng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Sản phẩm phải có quy mô lớn, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, có khả năng thay thế hàng hóa nhập khẩu hoặc mang lại giá trị xuất khẩu, có tác động lan tỏa, tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội hoặc quốc phòng an ninh; phát huy được các lợi thế về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực.