Lắp đặt các trạm cấp nước tại các điểm di tích |
Đáng lo
Gần đây, đến một số điểm du lịch ở Huế, nhiều du khách tỏ ra hài lòng khi những giải pháp hạn chế chai nhựa dùng một lần bắt đầu được triển khai. Tại các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Đồng Khánh đã có các trạm cấp nước. Làng du lịch sinh thái ở Thủy Biều cũng bố trí chai nhựa và vòi lấy nước thay chai nhựa. Nguyễn Khánh Hưng, một du khách yêu môi trường khi du lịch Huế bảo: “Tôi đồng tình với cách làm du lịch như thế. Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính chúng ta”.
RTN trong du lịch là câu chuyện đang ngày càng nóng lên. Những năm gần đây, tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Song, hoạt động của du khách đã phần nào làm tăng RTN ra môi trường. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, ước tính lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam đến năm 2019 khoảng 230.110 tấn, trong đó chủ yếu là RTN dùng một lần. Cũng theo tính toán của Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch, năm 2019, với 18 triệu khách quốc tế và 43,5 triệu khách nội địa đã thải ra môi trường tổng cộng 116.144 tấn rác thải nhựa. Do đó, nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát sinh RTN từ hoạt động du lịch năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019.
Không còn nghi ngờ về nỗi lo từ RTN, thế nhưng, điều đáng lo không kém là câu chuyện ý thức của người làm du lịch và du khách. Thực tế, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, thể hiện quan điểm hướng tới giảm thiểu RTN trong du lịch. Tuy nhiên, dù nhiều giải pháp đặt ra nhưng rất nhiều người làm du lịch, các nhà hàng, khách sạn, du khách vẫn còn ưa thích sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đặc biệt là các chai nước nhựa, áo mưa tiện lợi ni lông, túi ni lông…
Quan sát tại một số điểm du lịch cộng đồng, khi mở ra các phiên chợ đêm, các hoạt động mua bán trưng bày sản phẩm, túi ni lông và đồ nhựa sử dụng một lần vẫn đang còn phổ biến. Một người làm du lịch cộng đồng ở Hương Thủy chia sẻ thật: “Biết ni lông không tốt, nhưng vì tiện lợi nên chưa thay đổi được”. Cũng chính cách làm du lịch “nhanh, gọn, lẹ” nhưng chưa chú ý đến bảo vệ môi trường, nỗi lo về RTN trong phát triển du lịch bền vững trở thành bài toán khó.
Xóa sổ rác nhựa khỏi các điểm du lịch
Trong 2 năm 2023 - 2024, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường triển khai dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”. Dự kiến triển khai thí điểm tại Quảng Nam và Ninh Bình, sau đó sẽ xây dựng kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong toàn ngành du lịch. Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế rất chủ động trong vấn đề này. Với định hướng xây dựng môi trường du lịch “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”, ngành du lịch tỉnh đã ban hành kế hoạch giảm thiểu RTN giai đoạn 2023 – 2025.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, ngành du lịch phấn đấu 100% tổng số khách sạn, đơn vị lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, điểm du lịch cộng đồng, cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và 90% hướng dẫn viên được tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và việc sử dụng SUP vào cuối năm 2023. Thay đổi hành vi có cam kết giảm RTN và triển khai ít nhất một biện pháp hạn chế sử dụng nhựa. Trong đó, năm 2023 có 25% tổng số khách sạn; 50% đơn vị lữ hành, điểm du lịch; năm 2024 có 70% tổng số khách sạn; 90% đơn vị lữ hành, điểm du lịch và năm 2025 có 100% khách sạn, đơn vị lữ hành và điểm du lịch, cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Để bài toán giảm RTN được hiệu quả, điều tiên quyết là phải xây dựng được thói quen của người làm du lịch và du khách. Theo đại diện Sở Du lịch, hàng loạt giải pháp trọng tâm đang được triển khai. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong ngành du lịch; vận động, theo dõi các đơn vị triển khai thực hành các giải pháp giảm RTN tại các khách sạn, đơn vị lữ hành và điểm du lịch; liên kết và tăng cường xây dựng hoạt động cho nhóm đối tác hành động giảm nhựa thành phố Huế; quảng bá điểm đến du lịch giảm thiểu RTN...
Ngành du lịch sẽ tổ chức nhiều chương trình tập huấn dành cho quản lý các khách sạn 3-5 sao và Hiệp hội Khách sạn tập huấn cho quản lý/chủ đơn vị/chi nhánh lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; lớp quản lý/chủ các khách sạn còn lại ngoài Hiệp hội và cho quản lý/chủ các điểm du lịch cộng đồng, điểm du lịch văn hóa cũng như hướng dẫn viên trong vấn đề giảm RTN. Bên cạnh đó, ngay trong năm 2023 sẽ tổ chức vận động, tư vấn các doanh nghiệp cam kết bằng văn bản và triển khai thực hiện cam kết cam kết giảm RTN theo các cách thức khác nhau (Tổ chức các cuộc gặp mặt, nói chuyện-coffee talk; Gửi email/công văn; gọi điện thoại; tham quan hoạt động của doanh nghiệp…).