Học sinh kiểm tra thông tin thi tốt nghiệp THPT |
Chốt phương án 2+2
Theo công bố của Bộ GD&ĐT, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, mỗi thí sinh sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Mục đích tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đây cũng là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trong đó, môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT quy định: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, kỳ thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau năm 2030, Bộ GD&ĐT sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Ủng hộ phương án thi 4 môn
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến về ba phương án tổ chức kỳ thi này từ năm 2025. Lựa chọn thi tốt nghiệp THPT với 4 môn (2+2) được nhiều ý kiến ủng hộ vì giảm áp lực cho thí sinh, gọn nhẹ trong tổ chức. Theo công bố kết quả khảo sát của Bộ GD&ĐT, phương án thi 4 môn là phương án có tỷ lệ lựa chọn nhiều hơn so với các phương án còn lại. Nó trở thành phương án duy nhất được trình lên Chính phủ phê duyệt.
Thí sinh làm thủ tục dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 |
Ưu điểm của phương án 2+2 được các ý kiến phân tích cho rằng, đảm bảo sự gọn nhẹ, ít tốn kém, giảm áp lực, tăng tính mềm dẻo khi học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Phương án này cũng cân bằng giữa hai nhóm môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.
Theo ông Huỳnh Trường Thân, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Vinh, phương án 2+2 giảm áp lực, thuận tiện cho học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em; giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội. Việc tổ chức kỳ thi cũng gọn nhẹ hơn, giảm một số buổi thi so với hiện nay.
Tuy nhiên, với phương án này, không chỉ lịch sử mà môn ngoại ngữ vốn được đưa vào nhóm môn thi bắt buộc từ hơn một thập kỷ qua cũng được chuyển sang nhóm lựa chọn. Khi ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, một bộ phận học sinh sẽ ít đầu tư cho môn ngoại ngữ trong khi đây là yêu cầu cần thiết trong môi trường công việc của các em sau này.
Đa số học sinh cũng ủng hộ phương án 2+2. Em Nguyễn Đình Minh Thư, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học cho hay, em và số đông những học sinh khác ủng hộ cho phương án 2+2. Phương án này giảm tải cho học sinh trong quá trình ôn thi. Kiến thức dành cho kỳ thi THPT Quốc gia rất lớn, nếu thi ít môn, học sinh sẽ chủ động, tâm lý thoải mái, tự tin hơn trong quá trình ôn tập.
Học sinh có định hướng ôn tập
Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 có nhiều điểm khác biệt so với chương trình GDPT trước đó, từ mục tiêu, quan điểm, phương pháp giáo dục, cơ cấu hệ thống cũng như các môn học, đặc biệt là ở bậc THPT.
Trong Chương trình GDPT 2018, giáo dục cơ bản kết thúc ở bậc THCS, bậc THPT là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp. Do đó, học sinh bậc THPT không bắt buộc phải học tất cả các môn học như chương trình cũ mà chỉ phải học bắt buộc 4 môn, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và lịch sử. Ngoài 4 môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn học thêm một số môn học trong các môn còn lại. Do điều chỉnh trong chương trình học nên việc thi tốt nghiệp THPT đối với học sinh học theo chương trình mới cũng cần có sự thay đổi phù hợp.
Năm 2025 sẽ là năm mà học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 học theo chương trình GDPT mới và cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT đổi mới phương thức thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là thông tin được các nhà trường, học sinh và phụ huynh mong đợi trong suốt thời gian qua.
Hồ Nguyên, học sinh lớp 10 một trường THPT tại thị xã Hương Thủy chia sẻ: “Trước đây, học sinh đầu cấp đã biết kỳ thi tốt nghiệp ra sao nhưng chúng em học theo chương trình mới chưa biết sẽ thi như thế nào nên em cũng phân vân trong định hướng lựa chọn môn học và ôn tập. Vì thế, thời gian qua, chúng em rất mong chờ Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp”.
Một giáo viên cho hay, việc chốt phương án thi tốt nghiệp THPT rất cần thiết để học sinh yên tâm lựa chọn tổ hợp môn theo định hướng nghề nghiệp, có kế hoạch học tập và phát triển các kỹ năng khác. Giáo viên cũng có kế hoạch dạy học và định hướng cho học sinh ôn tập để không bị động.