Người xem thích thú tương tác với tác phẩm tại triển lãm. Ảnh: Trúc chỉ Garden |
Sự chín muồi về nghệ thuật ứng dụng
“Thắm” là triển lãm nghệ thuật Trúc chỉ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội từ ngày 19/11 đến 3/12.
Triển lãm do Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức để hưởng ứng Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi triển lãm chào mừng hành trình 10 năm kiến tạo Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam, cũng là dịp để Trúc chỉ giới thiệu các họa sĩ tài năng của mình, đặt dấu mốc cho hành trình 10 năm tiếp theo cùng nghiên cứu phát triển, đưa Trúc chỉ trở thành một giá trị văn hóa mới của Việt Nam.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng 79 tác phẩm, chia thành 18 chuyên đề được trưng bày theo các không gian. Không gian “Hành trình Trúc chỉ” chia sẻ với người xem những thành tựu đã đạt được trên từng giai đoạn hoạt động của Trúc chỉ. Không gian “Nghệ thuật Trúc chỉ” giới thiệu tác phẩm của 9 họa sĩ Trúc chỉ nhiều thời kỳ. Không gian “Mỹ thuật ứng dụng” trưng bày, sắp đặt các tác phẩm ứng dụng của kỹ thuật đồ họa Trúc chỉ, các nghệ phẩm ứng dụng độc bản. Không gian “Thiền trà” là nơi để người yêu nghệ thuật thưởng trà, ngắm tranh và chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận về Trúc chỉ.
Một không gian đậm tính nghệ thuật, đậm giá trị văn hóa Việt là cảm nhận của nhiều người khi tham quan triển lãm Trúc chỉ. Người xem được ngắm nhìn những bức tranh lớn mang tính nghệ thuật cao, được tạo tác kỳ công; những nghệ phẩm gần gũi với đời sống, như quạt, nón, đèn bàn và cả những tác phẩm lưu niệm nho nhỏ, như tấm bưu thiếp...
Có thể nói, triển lãm thể hiện sự chín muồi về nghệ thuật ứng dụng và bản sắc của Trúc chỉ thông qua khả năng biểu hiện, phạm vi sáng tạo và sự thích ứng với đời sống đương đại mà Trúc chỉ đã đạt được trong chặng đường 10 năm vừa qua.
“Điều đặc biệt làm nên điểm nhấn của những tác phẩm Trúc chỉ là sự sinh động, kích thích thị giác người xem. Khác với những bức tranh truyền thống, nghệ thuật Trúc chỉ có sử dụng kỹ xảo - công nghệ ánh sáng làm hình ảnh hiện lên với màu sắc rực rỡ, gần gũi, mang lại trải nghiệm thú vị cho người xem”, họa sĩ Phan Hải Bằng giới thiệu.
Không gian sắp đặt tác phẩm Trúc chỉ. Ảnh: Trúc chỉ Garden |
Không gian này cũng mang đến cho công chúng xúc cảm đặc biệt khi kết hợp giữa sự tĩnh lặng của thiền trà và nghệ thuật. Sự độc đáo, mới lạ về khái niệm, chất liệu và cách thức thể hiện hấp dẫn thị giác người xem từ cái nhìn đầu tiên.
“Một trải nghiệm tuyệt vời, một đại tiệc cho không chỉ thị giác mà còn toàn bộ các giác quan khi nghệ thuật tranh Trúc chỉ trở thành cầu nối cho những rung động từ lòng người tới muôn vàn trải nghiệm được kết tinh thành tác phẩm. Những câu chuyện, cảm xúc, suy tưởng về nhân sinh, cuộc đời, lịch sử được kể một cách bất ngờ, cuốn hút không thể rời mắt”, một vị khách đã chia sẻ như thế khi đến tham quan không gian triển lãm Trúc chỉ.
Lan tỏa giá trị Việt
Trúc chỉ được sinh ra để tôn vinh giá trị của lòng tri ân và tính nhân văn một cách sáng tạo qua ngôn ngữ nghệ thuật đậm tính Việt. Các tác phẩm của nghệ thuật Trúc chỉ được chế tác hoàn toàn thủ công theo tôn chỉ “Thẩm mỹ - giáo dục - xã hội”. Nghệ thuật mới này đã khởi nguồn bởi các phương pháp truyền thống, sau đó sáng tạo ra kỹ thuật đồ họa Trúc chỉ từ ý niệm chủ đạo: “Mang thêm cho giấy một khả năng, thoát khỏi thân phận làm “nền” để trở thành một tác phẩm tự thân, độc lập”.
Trúc Chỉ đã “lập chí” từ câu nói của vua Khải Định: “Đặc trưng của một dân tộc được biểu thị qua các sản phẩm nghệ thuật. Đó là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, nghi lễ chính trị và hình ảnh tâm hồn của dân tộc đó…”. Toàn bộ tinh thần của nghệ thuật Trúc chỉ được gói gọn trong biểu tượng “chiếc đòn gánh”, dụng cụ truyền thống phổ biến trong đời sống thể hiện sức mạnh nội lực và sự dẻo dai của năng lượng người mẹ thông qua đặc tính bền vững của chất liệu xơ sợi.
Thưởng trà, ngắm tranh trong không gian triển lãm Trúc chỉ tại Hà Nội. Ảnh: Trúc chỉ Garden |
Sau hành trình 10 năm xây dựng và phát triển, Trúc chỉ đã hiện diện như một giá trị văn hóa nghệ thuật mới của Huế, được tạo dựng trên nền tảng nghề giấy thủ công truyền thống, kết hợp và ứng biến với nhiều loại nguyên liệu, kỹ thuật và ý tưởng mới để làm nên một loại hình nghệ thuật mới, một giá trị văn hóa mới, góp thêm vào vốn văn hóa Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Trúc chỉ trở thành một hiện tượng được xây dựng, vun đắp, lan tỏa một cách bài bản nhờ nhiều thành phần cộng đồng khác nhau. Các giá trị mà Trúc chỉ hướng đến bao gồm thẩm mỹ - giáo dục - xã hội. Chúng gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau và đều hướng đến cộng đồng”.
Trúc chỉ đã được biết đến khá nhiều ở phía Nam nhưng vẫn chưa được biết đầy đủ ở phía Bắc. Nhân Tuần lễ Thiết kế sáng tạo 2023, những người tổ chức muốn giới thiệu với người yêu nghệ thuật ở Hà Nội cái nhìn toàn cảnh về Trúc chỉ. Nối tiếp những cuộc triển lãm đã từng thực hiện tại 22 Hàng Buồm, triển lãm Trúc chỉ lần này như một sự nối dài các đối thoại giữa nghệ thuật với di sản trong lòng Thủ đô. Vì thế, mỗi một sắp đặt trong triển lãm đều có tính đối thoại với di sản, với không gian văn hóa, đồng thời cũng là cơ hội nâng cao giá trị nghệ thuật, kiến trúc, di sản.
Những hoạt động triển lãm, tọa đàm, workshop... là cơ hội để công chúng biết nhiều hơn về loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố Cổ Hà Nội chia sẻ: “Triển lãm là dịp để lắng nghe câu chuyện về hành trình phát triển tranh Trúc chỉ, để hiểu hơn về một nghệ thuật mới, một giá trị Việt mới mà tôn chỉ hoạt động phù hợp với tinh thần của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. “Thắm” còn là triển lãm đầu tiên tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm trong năm 2023, với mong đợi sẽ mang lại cho công chúng những cảm nhận về mạch sáng tạo của Trúc chỉ, đồng thời tạo ra một không gian nghệ thuật đặc sắc tại Thủ đô”.