Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo các ngân hàng trên địa bàn |
Tại buổi nói chuyện, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; phân tích, làm rõ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) 54 của Bộ Chính trị; các NQ chuyên đề của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ: Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành NQ 54 và tiếp tục được khẳng định tại NQ 26 với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Để sớm đạt mục tiêu trên, tỉnh đang tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai NQ 54 của Bộ Chính trị, trước mắt, tỉnh tập trung xây dựng hoàn thành, bảo đảm chất lượng, tiến độ các quy hoạch, đề án đã đề ra; tăng thu ngân sách bền vững, cơ cấu lại thu, chi ngân sách gắn với nâng cao hiệu quả quản lý. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; quyết tâm đưa A Lưới khỏi danh sách huyện nghèo.
Với mục tiêu này, nguồn lực từ các tổ chức tín dụng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện những nhiệm vụ đầu tư vốn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các đối tượng chính sách phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy bày tỏ mong muốn, các ngân hàng cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, phát triển công nghệ thanh toán, tiết kiệm chi phí để triển khai nhiều hơn các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn như cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…. cũng như thúc đẩy các hoạt động an sinh xã hội, đồng hành cùng tỉnh trong thực hiện mục tiêu đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo.
Agribank hỗ trợ nhà ở cho đồng bào nghèo ở Nam Đông |
Tiếp thu các ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, ông Phạm Bá Nam khẳng định: Ngành Ngân hàng đang rất nỗ lực trong thực hiện các mục tiêu kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội. Hiện, hầu hết các tổ chức tín dụng lớn đều có mặt tại Thừa Thiên Huế và được đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở vật chất, con người. Các ngân hàng cũng đã đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi, hạ lãi suất… hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; các hoạt động an sinh xã hội cũng được triển khai, nhất là công tác xóa nhà tạm cho khu vực Nam Đông, A Lưới.
Thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tăng cường các giải pháp thúc đẩy nguồn vốn tín dụng phục vụ cho các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy nguồn vốn về khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa nhằm hiện thực hoá chiến lược tài chính toàn diện.