Mối quan hệ thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ảnh minh hoạ: Bloomberg/Báo Tin tức |
Hiện nay, khi triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc đang chững lại, các câu hỏi về tương lai kinh tế của khối ASEAN với 10 quốc gia thành viên một lần nữa lại xuất hiện.
Kể từ khi Bắc Kinh đưa ra quyết định tái cân bằng tăng trưởng kinh tế theo hướng tiêu dùng thay vì đầu tư vào năm 2007, đáng chú ý là trong suốt 15 năm qua, phần tiêu dùng trong GDP của Trung Quốc hầu như không thay đổi. Đầu tư tiếp tục chiếm hơn 40% sản lượng kinh tế, bất chấp tình trạng dư thừa công suất trong các ngành công nghiệp truyền thống.
Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư của Trung Quốc đang đạt đến giới hạn. Đây chính là nguồn gốc của những vấn đề hiện tại mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt.
Trong khi các nhà phân tích có thể tranh luận về tiềm năng phục hồi trong tương lai ngắn hạn, không thể phủ nhận sự suy thoái cơ cấu đang diễn ra ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều này thể hiện rõ nhất khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2007 đến 2019 và có khả năng sẽ tiếp tục giảm xuống còn 3,5% vào cuối thập kỷ này.
Đông Nam Á có cần lo lắng?
Có thể nói rằng, mối quan hệ thương mại của khu vực với Trung Quốc đã và đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cụ thể, vào năm 2019, thương mại hàng hóa song phương đã vượt 500 tỷ USD.
Tuy nhiên, mối quan hệ này đang mất cân bằng khi Đông Nam Á phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu của Trung Quốc, song tăng trưởng xuất khẩu lại ít hơn.
Ngoài Indonesia, quốc gia xuất khẩu hàng hoá được hưởng lợi to lớn từ nhu cầu nguyên liệu thô mạnh mẽ từ các ngành đang phát triển nhanh của Trung Quốc như xe điện và pin mặt trời, thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu của các nền kinh tế lớn của ASEAN đã trì trệ trong thập kỷ qua.
Điều này là do đặc điểm chính của tăng trưởng của Trung Quốc kể từ giữa những năm 2000 là sự phụ thuộc ngày càng giảm vào nhập khẩu. Tốc độ nhanh chóng trong việc chuyển hoạt động sản xuất về thị trường trong nước đã khiến Trung Quốc ngày càng ít phụ thuộc hơn vào các nước khác, bao gồm cả các nước láng giềng ASEAN.
Dù vậy, có thể việc Trung Quốc chuyển trọng tâm sang sản xuất công nghệ cao sẽ giúp nước này bắt đầu nhập khẩu nhiều hàng tiêu dùng hơn từ các quốc gia ASEAN. Tại hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã cam kết tăng nhập khẩu từ khu vực.
Chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc trong mảng dịch vụ cũng mang lại cơ hội tốt cho các nước láng giềng phía Nam của nước này.
Được biết, Thái Lan, Malaysia, Singapore, cũng như các nước khác đã được hưởng lợi đáng kể từ lượng khách du lịch Trung Quốc tăng mạnh trong những năm trước đại dịch. Ngoài việc trực tiếp nâng cao sự đóng góp của du lịch vào tăng trưởng của các nước này, dòng khách Trung Quốc đến các nước ASEAN tăng cũng giúp tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập và thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất giúp giảm bớt lo lắng cho các nền kinh tế Đông Nam Á là tiềm năng thu hút chuỗi cung ứng của Trung Quốc có thể đa dạng hóa hơn, vượt ra khỏi quy mô trong nước. Điều này có thể bù đắp nhiều hơn tác động tiêu cực của suy thoái Trung Quốc bằng cách thúc đẩy xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới và tạo ra tác động lan tỏa tích cực đáng kể cho nền kinh tế nội địa của khu vực.
Dù vậy, vẫn phải thừa nhận rằng có thách thức đặt ra. Căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, cũng như một số vấn đề chính trị khác đang được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, ASEAN vẫn có thể đạt được thành công trong hoạt động kinh doanh, miễn là các quốc gia thành viên trong khu vực thể hiện sự sẵn sàng hợp tác. Tăng cường hội nhập thương mại theo chiều dọc và giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ bên ngoài khu vực sẽ là khởi đầu tốt.
Các chuyên gia nhận định rằng Đông Nam Á có nhiều lợi thế. Cùng với chi phí lao động thấp và trữ lượng lớn các nguyên liệu thô quan trọng như đồng, thiếc và niken, các nền kinh tế ASEAN được hưởng lợi từ trình độ học vấn tốt và khả năng sản xuất mạnh mẽ.
Có thể nói rằng, sự suy thoái của Trung Quốc không báo hiệu cho sự kết thúc về thịnh vượng của Đông Nam Á. Bằng cách tăng cường sự hiện diện của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu, các nền kinh tế ASEAN có thể bù đắp được nhiều hơn những tổn thất.