Một hoạt động nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS tại Ấn Độ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Từ việc chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử, đến ủng hộ việc tiếp cận các biện pháp can thiệp với chi phí phải chăng, và các dịch vụ do cộng đồng dẫn dắt, các cộng đồng đã định hình phản ứng với HIV trong nhiều thập kỷ.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: “Chúng tôi sát cánh cùng các cộng đồng để giúp chấm dứt AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030”.
Nhiều thập kỷ đầu tư và học hỏi từ HIV đã thúc đẩy những tiến bộ rộng lớn hơn trong các hệ thống y tế quốc gia và toàn cầu. Hoạt động ứng phó với HIV đã củng cố các hệ thống chăm sóc sức khỏe, đồng thời tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngoài xét nghiệm và điều trị HIV. Đầu tư và cơ sở hạ tầng từ hoạt động ứng phó với HIV tạo điều kiện cho các phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng đối với nhiều dịch bệnh, bao gồm COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ.
Trên toàn cầu, 9,2 triệu người không được tiếp cận với phương pháp điều trị HIV mà họ cần. Mỗi ngày, có 1.700 sinh mạng bị cướp đi do các nguyên nhân liên quan đến HIV, và 3.500 người nhiễm HIV, trong đó nhiều người không biết tình trạng của mình hoặc không được tiếp cận điều trị.
Bà Meg Doherty, Giám đốc Chương trình toàn cầu của WHO về HIV, Viêm gan và Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu với các cộng đồng ngày hôm nay và mỗi ngày. Sự dẫn dắt của các cộng đồng bị ảnh hưởng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ứng phó với HIV, bất chấp các rào cản pháp lý, kinh tế và xã hội mà họ gặp phải”.
Qua đó, WHO sát cánh cùng các đối tác toàn cầu để hoan nghênh vai trò của các cộng đồng trong việc thu hẹp khoảng cách xét nghiệm, điều trị và chăm sóc những người bị bỏ lại phía sau, cũng như thúc đẩy tiến trình hướng tới chấm dứt AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
(Lược dịch từ WHO)