Duy trì các hoạt động thu gom RTN tại các bãi biển ở địa phương |
Sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống RTN giai đoạn 2021-2025” hầu như các tỉnh, thành đã tạo được phong trào mạnh mẽ để phát triển kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường từ nguồn nguyên liệu RTN.
Hiện nay ở Thừa Thiên Huế, bên cạnh sự quan tâm của dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa của miền Trung” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) hỗ trợ tại TP. Huế, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu RTN, như: không dùng túi nhựa, túi ni lông sử dụng một lần; triển khai các phong trào sử dụng các vật dụng trong kinh doanh sản xuất, sinh hoạt... làm từ vật liệu thân thiện với môi trường, hoặc có thể tái sử dụng nhằm giảm phát sinh RTN. Cách làm này nhiều năm qua ở địa phương được duy trì đều đặn, thông qua các phong trào thi đua và chủ động phát hiện, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu RTN…
Không riêng Thừa Thiên Huế, dù hầu hết các địa phương có chuyển biến mạnh trong phong trào chống RTN, nhưng đến thời điểm này Việt Nam vẫn đối mặt với nguy cơ ô nhiễm RTN trên toàn cầu, với lượng RTN tăng đến 200% trong những năm qua. Đáng chú ý, trọng lượng rác thải sinh hoạt thải ra mỗi năm thì RTN và túi ni lông chiếm khoảng 8-12%. Với tỷ lệ này, ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 1,8 triệu tấn RTN thải ra môi trường nhưng chỉ có 27% được tái chế sử dụng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, con số trên cho thấy Việt Nam đang lãng phí nguồn nguyên liệu dồi dào; nếu tăng thêm tỷ lệ tái chế RTN hiệu quả thì sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn.
Hiệp hội Nhựa Việt Nam thông tin, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35-50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. Tuy nhiên hiện nay RTN ở nhiều địa phương vẫn còn mang đi chôn lấp nhiều…
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết, việc quản lý RTN là vấn đề phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay toàn xã hội. Để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải nói chung, RTN nói riêng, Bộ TN&MT đã rà soát, đề xuất, tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp. Đầu tiên là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường 2020 nhằm hạn chế tác động của chất thải, nhất là RTN tới môi trường; xây dựng các quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì thuộc danh mục quy định phải tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc.
Luật cũng hướng tới việc thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Trên cơ sở đó, điều quan trọng nhất hiện nay, các cơ quan, ban, ngành ở mỗi địa phương phải có cơ chế chính sách rõ ràng để thống nhất quản lý, thu gom, xử lý và tái chế RTN. Cụ thể là không nên thu thuế và tạo mọi điều kiện tốt nhất khi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực: thu gom, phân loại, xử lý và tái chế rác thải ở địa phương.