Buổi tiếp xúc được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các địa phương.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu kết luận hội nghị |
Đặt ra nhiều nhóm giải pháp, nhiệm vụ
Mở đầu hội nghị, ông Phạm Như Hiệp, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết về kết quả của kỳ họp.
Theo đó, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 7 luật và 2 nghị quyết quy phạm pháp luật; cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật. Đây là các đạo luật có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách.
Đáng chú ý, sau 2,5 ngày chất vấn với 21 lĩnh vực thuộc 4 nhóm nội dung: Kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội, kết quả cho thấy, các nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các Bộ, ngành triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm với nhiều giải pháp đồng bộ.
Tại Kỳ họp, Quốc hội cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023; việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5; thảo luận kỹ lưỡng tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2023 và thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; quyết định Kế hoạch đầu tư công năm 2024;...
Thông tin tình hình kinh tế, ông Phạm Như Hiệp cho hay, tăng trưởng kinh tế dần được phục hồi theo hướng tích cực, dự báo cả năm 2023 GDP tăng trên 5% và hoàn thành ít nhất 10/15 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm, phát triển. Đặc biệt, trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát, 15 chỉ tiêu, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó yêu cầu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...
Các dự án luật và các vấn đề được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp sẽ tác động đến sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới |
Thực tiễn hóa kết quả của Kỳ họp
Thông tại hội nghị cho thấy, trước Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp 9 ý kiến, kiến nghị cử tri, cụ thể gửi đến Quốc hội 3 ý kiến; Chính phủ 4 ý kiến; Bộ Giao thông vận tải 1 ý kiến; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 ý kiến.
Trong kỳ họp, đã có 21 lượt ĐBQH tỉnh phát biểu tại các phiên thảo luận tổ và hội trường đối với các dự án luật quan trọng như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;…
Ngoài ra, các ĐBQH tỉnh tích cực thảo luận về các nội dung quan trọng như, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025…
Kiến nghị đến đoàn ĐBQH tỉnh, cử tri các địa phương băn khoăn về một số nội dung liên quan đến Luật Căn cước. Vấn đề ban hành hộ chiếu, cử tri mong muốn Quốc hội nghiên cứu kỹ, bởi liên quan các chính sách vĩ mô mang tầm Quốc gia.
Trên lĩnh vực giáo dục, cử tri cũng kiến nghị xây dựng bộ sách giáo khoa đảm bảo chất lượng; bổ sung thêm các cơ sở giáo dục có chất lượng trong việc biên quan sách giáo khoa. Ngoài ra, cử tri cho rằng, cần kéo dài thời hạn có hiệu lực Quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch…
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu đã giải đáp thắc mắc của các cử tri. Ông Lưu cho rằng, trong quá trình phát triển và xu thế xã hội hiện nay, việc điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các dự luật là điều bắt buộc.
Đối với dự luật chưa thông qua lần này, ông Lê Trường Lưu cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp, Quốc hội đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.
Ông Lưu cũng thông tin rõ hơn về quá trình giám sát tối cao việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. “Nhiều vấn đề, dự án luật được thông qua tại Kỳ họp sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh thời gian tới. Do vậy, việc thực tiễn hóa các kết quả của kỳ họp đóng vai trò quan trọng, các địa phương cần sớm triển khai, đặc biệt là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công”, ông Lê Trường Lưu nhấn mạnh.