Các em học sinh nghe thuyết minh về cổ vật Chăm ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Bắt đầu từ những viên gạch nhỏ

Di sản là nguồn tài nguyên tri thức phong phú, vô tận để học tập suốt đời. Vì lẽ đó, giáo dục di sản trong trường học là giải pháp thiết thực mà UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên áp dụng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Theo Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung, làm tốt công tác giáo dục sẽ góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ di sản và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Việc "ươm mầm" di sản giúp các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, đồng thời, cũng là giải pháp để di sản bền vững trong tương lai.

“Nếu di sản văn hóa là kiệt tác nghệ thuật được tiền nhân để lại, thì di sản thiên nhiên là tài sản vô giá mà tạo hóa ban tặng cho con người. Cả hai loại tài sản này đều cần được bảo vệ và chuyển giao cho các thế hệ sau tiếp tục phát huy”, ông Trung nói.

Đầu tháng 11/2023, học sinh lớp 5/2 Trường tiểu học Quang Trung (TP. Huế) đã được tham gia hoạt động giáo dục di sản tại lăng vua Tự Đức. Sau khi nghe hướng dẫn viên thuyết minh, các em có thêm hiểu biết, kiến thức lịch sử về 13 đời vua triều Nguyễn, lăng vua Tự Đức, và những di sản của Huế được UNESCO công nhận, được học mà chơi, chơi mà học, chủ động khám phá, tìm hiểu di sản qua hoạt động tham quan, tương tác…

Mang trên mình những chiếc áo dài ngũ thân truyền thống Việt Nam, sau hoạt động tham quan, trải nghiệm, các em được chia thành từng nhóm làm việc độc lập, bằng việc dùng kiến thức của mình để tập làm hướng dẫn viên giới thiệu về các điểm di tích cụ thể. Tập hướng dẫn thuyết minh và quay clip. Đây là bài thu hoạch - những “dự án” nhỏ của các em trong việc chuyển ý thức thành hành động lan tỏa những giá trị di sản văn hóa dân tộc đến với mọi người.

Em Nguyễn Hoàng Phúc, học sinh lớp 5/2 Trường tiểu học Quang Trung hào hứng: “Với em và các bạn, đây là một chuyến trải nghiệm vui, bổ ích, giúp chúng em có thêm nhiều kiến thức. Sau chuyến đi này, để góp phần bảo vệ di sản, em sẽ cùng gia đình đến tham quan các di tích khác, giới thiệu di sản văn hóa Huế đến bạn bè thông qua mạng xã hội để nhiều người biết và có những hành động nhỏ bảo vệ môi trường”.

Cô Trương Thị Tường Vy, giáo viên Trường tiểu học Quang Trung cho rằng, giáo dục di sản nếu chỉ ngồi trên ghế nhà trường để quan sát tranh ảnh, sách vở hay qua lời giảng của giáo viên thì các em rất khó hiểu, không hình dung được, đặc biệt rất khó bồi đắp cảm xúc, tình cảm về di sản. Các em cần được đặt chân đến đó, tận mắt nhìn thấy và chạm tay vào di sản thì sẽ hiểu rất sâu. “Hoạt động giáo dục di sản sẽ giúp các em trả lời câu hỏi: “Vì sao có những di sản này” hay “Nguồn cội của dân tộc là đâu”, từ đó bồi đắp cho các em những cảm xúc, tình yêu với di sản văn hóa dân tộc hay xa hơn là đặt lên thế hệ trẻ trách nhiệm bảo tồn di sản, văn hóa của đất nước thông qua các buổi trải nghiệm thực tế”, cô Vy bày tỏ.

Sứ giả của di sản, văn hóa Huế

Thống kê của Trung tâm BTDTCĐ Huế, từ đầu năm 2022 đến nay, các điểm di tích thuộc Trung tâm quản lý đã đón hơn 220 đoàn với hơn 31.000 học sinh đến tham quan, tìm hiểu, học tập. Chương trình Giáo dục Di sản Huế đã được Trung tâm và Phòng GD&ĐT thành phố Huế hợp tác xây dựng bài bản, kết hợp tham quan tìm hiểu từ thực tế với các hoạt động trải nghiệm trò chơi cung đình, như xăm hường, bài vụ, thả thơ, đầu hồ, các trò chơi dân gian, trò chơi tìm hiểu di sản, hỏi đáp nhanh, tô màu di sản, giới thiệu các họa tiết cung đình, linh vật, kiến trúc minh họa bằng ảnh và thực tế… Qua đó, giúp tăng cường mối liên hệ giữa học tập và trải nghiệm, giữa di sản với học sinh, cho các em tiếp cận, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê với lịch sử của ông cha cũng như di sản văn hóa Huế.

Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển rất quan tâm đến giáo dục ở bảo tàng và di tích. Học sinh đến bảo tàng, di tích để học, tăng thêm kiến thức và kỹ năng gắn liền với mỗi bộ sưu tập hiện vật, mỗi cuộc trưng bày chuyên đề. Bên cạnh không gian trưng bày hiện vật, triển lãm, không gian ngoài trời của bảo tàng được tận dụng để tổ chức các hoạt động thực hành nghệ thuật, học tập về lịch sử, văn hóa. Các em còn tham quan các điểm du lịch khám phá di sản văn hóa của địa phương và trải nghiệm nghề truyền thống cùng với cộng đồng. Cách tiếp cận này giúp học sinh có nhiều kỹ năng trong tương tác và kích thích sự tìm tòi, học hỏi của bản thân.

Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế Ngô Văn Minh thông tin, hoạt động Giáo dục Di sản học đường do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế phụ trách trong tổng thể Chương trình Giáo dục di sản - văn hóa - nghệ thuật do Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp tổ chức thời gian qua đã đón nhiều đoàn học sinh của các trường đến bảo tàng tham quan và trải nghiệm. Đây là cơ hội để các em có thể tiếp cận trực quan, sinh động với các kiến thức lịch sử, văn hóa triều Nguyễn qua những câu chuyện liên quan đến cổ vật và các thiết bị hỗ trợ hiện đại trong trưng bày.

“Những buổi tham quan, học tập như thế này sẽ ươm mầm tình yêu di sản cho các em một cách hiệu quả và bền vững nhất, từ đó, hình thành những hành động cụ thể vì di sản. Đồng thời, mỗi học sinh sẽ là một sứ giả, cùng nhau giới thiệu về văn hóa, di sản của Huế đến với bạn bè, gia đình và cộng đồng”, ông Minh nói.

Bài, ảnh: Liên Minh