Gỡ bẫy chim trời |
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh nằm trong cảnh quan Trung Trường Sơn. Đây là nơi cư trú của nhiều loài đặc hữu như sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, cầy vằn, trĩ sao, thỏ vằn Trường Sơn và nhiều loài có giá trị bảo tồn khác. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh có đến 134 loài thú và hơn 500 loài chim, mang lại các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu cho phúc lợi về kinh tế - xã hội của cộng đồng cư dân sinh sống trong khu vực cảnh quan.
Nhận thức được vai trò lớn của các loài ĐVHD, ngành kiểm lâm tỉnh đã có nhiều nỗ lực bảo vệ ĐVHD nói riêng và đa dạng sinh học nói chung. Từ những năm đầu năm 2010, lực lượng kiểm lâm tích cực phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện nhiều chương trình bảo tồn ĐVHD và đạt nhiều thành quả tích cực. Các địa phương, Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức về quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ĐVHD. Tỉnh có nhiều chương trình, chiến dịch môi trường như phong trào “Ngày Chủ Nhật xanh”, phong trào giữ gìn Huế xanh - sạch - sáng… góp phần tác động tích cực đến hoạt động bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên.
Mới đây, tỉnh triển khai các biện pháp tăng cường quản lý, bảo vệ các loài chim trời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất và tiến tới chấm dứt tình trạng săn bắt và vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng, các loài chim trời. Từ đó, hướng đến xây dựng “Thành phố Xanh” của quốc gia được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới vinh danh năm 2016. Đặc biệt, trong giai đoạn mới, các ban ngành luôn nỗ lực bảo tồn nền đa dạng sinh học của tỉnh.
Ông Tống Phước Hoàng Hiếu, Phòng Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm tỉnh chia sẻ, để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định bảo vệ ĐVHD, từ năm 2020 đến nay lực lượng kiểm lâm tỉnh và các đơn vị chủ rừng tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét tại rừng. Qua đó, phát hiện và tháo dỡ gần 10 ngàn bẫy động vật rừng các loại. Cùng thời điểm, lực lượng kiểm lâm đã xử lý 46 vụ vi phạm về ĐVHD, xử phạt gần 425 triệu đồng, tịch thu 780 cá thể động vật rừng, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm.
Đầu năm 2022, Vườn Quốc gia Bạch Mã phát hiện 4 đối tượng săn bắt cá thể sơn dương và bàn giao Công an huyện Nam Đông xử lý. Công an huyện Nam Đông đã khởi tố 4 bị can, hiện đang điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, tháng 8/2021, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã khởi tố 6 bị can. Tòa án Nhân huyện Nam Đông đã xét xử và tuyên án 6 đối tượng với tổng mức hình phạt 204 tháng tù giam. Năm 2020, Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới lập hồ sơ khởi tố 6 bị can. Tòa án Nhân dân huyện A Lưới đã xét xử và tuyên phạt 6 bị cáo này với tổng mức hình phạt 60 tháng tù giam và 90 tháng tù treo.
Cùng với xử lý vi phạm, trong vòng ba năm qua, toàn tỉnh đã tiếp nhận và cứu hộ thành công 11 cá thể ĐVHD, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ như tê tê java, vọoc chà vá chân nâu… Tính riêng năm 2022, tiếp nhận và cứu hộ thành công 90 cá thể ĐVHD với 60 vụ (không tính cá thể chim trời). Đặc biệt, thông qua đường dây nóng cứu hộ ĐVHD, các đơn vị kiểm lâm đã tiếp nhận 14 cá thể do người dân tự nguyện giao nộp. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh trong quản lý, bảo vệ ĐVHD.
Các hạt kiểm lâm sở tại phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức 36 đợt truy quét, tịch thu, tiêu hủy nhiều bẫy chim trời các loại. Theo đó, cứu hộ, thả về môi trường tự nhiên 615 cá thể còn sống và thu giữ 331 cá thể chim là tang vật vi phạm tại các cơ sở mua bán.
Ông Tống Phước Hoàng Hiếu cho rằng, để tiếp tục triển khai hoạt động quản lý, bảo vệ hiệu quả các loài ĐVHD, việc tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật rừng là điều cần thiết và thường xuyên. Cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn động vật rừng cần được nâng cao năng lực chuyên môn. Các tổ chức cần đầu tư hơn nữa vào công tác đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, nhân viên, cập nhật những kiến thức mới, kỹ năng mới nhằm đáp ứng yêu cầu bảo tồn ĐVHD trong tình hình mới.
Hoạt động giám sát, kiểm soát về bảo vệ, bảo tồn ĐVHD cần được quan tâm hơn. Các cơ quan chức năng phải có các quy định, chính sách cụ thể và thực thi chặt chẽ, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình bảo tồn ĐVHD. Các tổ chức bảo tồn ở Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng cần tăng cường hợp tác quốc tế để học tập, chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn ĐVHD. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về các loài động vật rừng và môi trường sống của chúng làm cơ sở để bảo vệ, bảo tồn.
Sự tham gia của cộng đồng cũng được xác định có vai trò rất quan trọng trong hoạt động quản lý, bảo vệ động vật rừng. Các tổ chức cần thúc đẩy các hoạt động tình nguyện và sự tham gia của cộng đồng trong quá trình bảo vệ ĐVHD; tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ, bảo tồn các loài ĐVHD… Chỉ khi mọi người, tổ chức cùng chung tay, góp sức mới có thể đảm bảo sự sống còn của các loài ĐVHD và môi trường sống của chúng.