Chị Thanh là nhân viên có tay nghề cao tại Công ty TNHH MTV Niềm Tin 17.4 |
Mạnh mẽ và nghị lực, đó là cảm nhận của rất nhiều người khi gặp mặt chị Trần Thị Thanh. Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn với nụ cười thật tươi, chúng tôi hiểu sự rắn rỏi và nghị lực ấy là chẳng hề dễ dàng có được.
Là người con vùng quê Lệ Thủy (Quảng Bình), năm 22 tuổi, chị Thanh nên duyên với chồng. Sau khi sinh hai người con, chị theo chồng về Huế lập nghiệp. Hạnh phúc nhân đôi khi chị sinh thêm con, thế nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, lúc chỉ còn hai tháng nữa là người con thứ tư chào đời, chị Thanh bất ngờ bị mất đi thị lực.
Chị kể: “Tôi còn nhớ như in đó là một buổi sáng của năm 2008. Sau khi thức giấc, mắt của tôi không còn nhìn thấy gì. Bác sĩ nói nguyên nhân là do viêm màng bồ đào dẫn tới tổn thương võng mạc. Lúc đó tôi đau đớn lắm, tôi không muốn trở thành gánh nặng cho chồng con, khi đó tôi chỉ muốn giải thoát”.
Chìm sâu trong nỗi đau mất đi thị lực, thế nhưng từ những tiếng gọi mẹ ơi của con, sự đồng hành của chồng, chị Thanh đã có những giây phút bình tâm. Chị nhận ra nếu mình không đồng hành cùng con, sự mất mát đó còn to lớn hơn nhiều. Dần dần, với những suy nghĩ tích cực, chị động viên bản thân nỗ lực mỗi ngày để thích nghi với hoàn cảnh mới, dù hoàn cảnh ấy vô cùng éo le, khắc nghiệt.
“Dù đã có kinh nghiệm với ba người con nhưng với tôi, việc chăm con khi không thể nhìn thấy gì là vô cùng gian khó. Chồng tôi phải đi làm, nhiều lúc gian nan, tôi bồng con trên tay mà bất lực, buồn tủi, lúc đó con khóc mẹ cũng khóc”, chị nói.
Năm người con út của chị lên 4 tuổi, cuộc sống của chị Trần Thị Thanh bước sang một trang mới. Được sự quan tâm của Hội Người mù (HNM) tỉnh, chị Thanh được hướng dẫn học chữ Braille và học nghề massage chăm sóc phục hồi sức khỏe.
Vui với chữ, với nghề chưa được bao lâu, năm 2018, biến cố khác lại ập đến khi người chồng của chị mất vì bệnh, nỗi đau quá lớn một lần nữa làm chị ngã quỵ. Nhưng khác với ngày trước, những người con của chị đã lớn và đồng hành cùng mẹ, chung với sự động viên của các cô chú, anh chị ở công ty, HNM, chị đã dũng cảm hơn rất nhiều để đối diện và vượt qua nỗi đau.
Giờ đây, cuộc sống éo le của chị đã có những sắc màu vui. Với sự hỗ trợ của HNM tỉnh, chị được học các lớp dạy kỹ năng sử dụng máy vi tính, lớp học cách sử dụng điện thoại thông minh. Công việc của chị cũng ngày càng khởi sắc. Có chữ, có nghề, có phương tiện kết nối với thế giới bên ngoài, chị nỗ lực mỗi ngày để rèn giũa và trở thành một trong những nhân viên có tay nghề chất lượng tại Công ty TNHH MTV Niềm Tin 17.4. Mỗi ngày đến công ty, chị Thanh tư vấn nhiệt tình cho khách hàng, với tay nghề tốt, nhiều khách hàng “ruột” tin tưởng và tìm đến chị để giảm nhức mỏi vai gáy, giảm đau các cơ xương khớp...
Chị bộc bạch: “Nhờ HNM quan tâm, tôi có công việc ổn định, được hỗ trợ sửa chữa nhà cửa và học bổng cho các con đến trường. Hiện nay, hai người con sau đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học. Tôi rất cảm ơn HNM tỉnh, sự đồng hành của Hội đã giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để tôi vượt qua những giai đoạn ngặt nghèo nhất của đời người”.
Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch HNM tỉnh, nhận xét: “Không ngừng nỗ lực, trau dồi kỹ năng, tay nghề, chị Trần Thị Thanh là một trong những nhân viên có nhiều kinh nghiệm và sáng kiến hay, được ghi nhận tại Công ty TNHH MTV Niềm Tin 17.4. Không chỉ thế, chị còn trở thành điểm tựa vững chắc, nuôi dạy con khôn lớn, chăm ngoan. Nghị lực của chị Thanh đã mang đến thêm sự tự tin cho nhiều hội viên phụ nữ mù, khiếm thị, giúp nhiều hội viên có thêm động lực vượt khó vươn lên”.