Sau ca mổ kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn GS.Aare Martson, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Đại học (ĐH) Tartu, Estonia; Chủ tịch Hội chấn thương chỉnh hình Bắc Âu. Về độ phức tạp của ca mổ, GS.Aare Martson cho biết:
25 năm trong nghề tôi đã thực hiện nhiều ca mổ rất phức tạp. Ca này không phải quá khó nhưng phải khẳng định là một ca phẫu thuật thay khớp gối lớn và khó nhất mà tôi thực hiện tại Việt Nam. Khó ở chỗ, thực hiện ca mổ trong một môi trường khác, điều kiện khác với đất nước chúng tôi. Để thực hiện thành công ca mổ phải có sự phối hợp ăn ý của cả một ê-kíp: trong đoàn chúng tôi có các chuyên gia về phẫu thuật mạch máu và thẩm mỹ (bác sĩ Olavi Vasar), chấn thương chỉnh hình (bác sĩ Katre Maasalu, Eiki Strauss),... Về phía Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế có TS. Lê Nghi Thành Nhân, Trưởng Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình - lồng ngực, PGS.TS Hồ Khả Cảnh, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức là những người rất có kinh nghiệm và đội ngũ bác sĩ của nhiều chuyên khoa khác của bệnh viện như Khoa ung bướu,...
Từ ca mổ này, những kỹ thuật cao đã được phía ĐH Tartu chuyển giao cho đội ngũ bác sĩ ở đây hay chưa để trong thời gian tới, Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế sẽ có thể tự mình thực hiện những ca mổ khó và phức tạp như vậy?
Thực hiện ca mổ này không chỉ đòi hỏi về con người mà còn nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như khớp nhân tạo mà chúng tôi sử dụng để thay thế cho bệnh nhân hiện không có tại Việt Nam và giá rất đắt - hơn 200 triệu đồng. Khớp nhân tạo này chúng tôi được hãng Link (Đức) hỗ trợ. Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế có đội ngũ tốt, TS.Nhân - Trưởng khoa là người rất giỏi về phẫu thuật thay khớp nhân tạo nhưng không có khớp nhân tạo này thì cũng không thể thực hiện được ca mổ như vậy.
Với vai trò là giáo sư thỉnh giảng của Trường ĐH Y Dược Huế, ông có thể cho biết những dự định, mong muốn của mình để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa ĐH Tartu và Trường ĐH Y Dược Huế?
Hai trường đã có quá trình hợp tác 3 năm. Trong khoảng thời gian đó chúng tôi đã tổ chức một số khoá đào tạo cho đội ngũ cán bộ của Trường ĐH Y Dược Huế và Bệnh viện trường. Hiện có 2 bác sĩ của Bệnh viện trường đang làm nghiên cứu sinh ở ĐH Tartu. Chúng tôi đã tổ chức các hội thảo; tham gia giảng dạy cho cán bộ, học viên sau ĐH và sinh viên của trường; hỗ trợ các dụng cụ phẫu thuật hiện đại cho Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - lồng ngực của Bệnh viện trường và tham gia thực hiện những ca mổ khó tại đây... Sắp tới, ĐH Tartu và Trường ĐH Y Dược Huế sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác đào tạo. Chúng tôi cũng vừa trao đổi với GS.Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng nhà trường về việc hai trường sẽ liên kết đào tạo sau ĐH và đào tạo liên tục tại đây.
Xin cảm ơn GS!
Bệnh nhân tên là Nguyễn Đình P. (21 tuổi, quê ở Vinh Hà, Phú Vang), được phát hiện ung thư đầu dưới xương đùi cách đây 3 năm và đã được bác sĩ Hồ Xuân Dũng, Khoa ung bướu điều trị. Khi bệnh nhân nhập viện lần đầu, khối u phát triển khá lớn và đã di căn phổi. Kết quả sinh thiết khối u kết luận bệnh nhân bị ung thư xương ác tính giai đoạn III. Theo TS Lê Nghi Thành Nhân, do bệnh nhân trẻ, thể trạng tốt, di căn không tiến triển, đáp ứng điều trị hóa chất tốt; chụp cộng hưởng từ khớp gối không có tình trạng khối u xâm lấn rộng rãi ra xung quanh, do đó bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u rộng rãi (khối u có kích thước 30x20cm; đồng thời tạo hình lại chi thể cho bệnh nhân bằng khớp gối nhân tạo loại đặc biệt sử dụng cho bệnh nhân ung thư.
Hiện tại bệnh nhân Nguyễn Đình P. đã ổn định, chuẩn bị điều trị phục hồi chức năng khớp gối và điều trị hóa chất tiếp tục.
|
|
Tình hình sức khoẻ bệnh nhân Nguyễn Đình P. đã ổn định để chuẩn bị điều trị phục hồi chức năng khớp gối
|
Ngọc Hà