Một mô hình trưng bày tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Thực tế cho thấy, Việt Nam đang ngày càng chủ động thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo; khuyến khích từ nghiên cứu đến ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua huy động tối đa nguồn lực trí tuệ và vật chất để phục vụ đổi mới sáng tạo; trong đó, cộng đồng doanh nghiệp được trông đợi như lực lượng tiên phong và quan trọng nhất trong thực hiện đổi mới sáng tạo.
Hiện nay, mạng lưới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ tại các địa phương trên cả nước. Các tỉnh, thành phố tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và sở hữu trí tuệ. Việc thiết lập mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia; trong đó, có ba đại diện vùng là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng là điểm nhấn kết nối, khẳng định vị thế Việt Nam trong khởi nghiệp.
Việt Nam đã có hơn 200 quỹ đầu tư, hơn 100 tổ chức về thúc đẩy kinh doanh, hơn 130 trường đại học, cao đẳng có không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tạo ra bức tranh khá đầy đủ cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Cuối tháng 10 vừa qua, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng đã đi vào hoạt động tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đánh dấu sự hình thành của không chỉ một không gian đổi mới sáng tạo của quốc gia, mà còn là biểu tượng, tượng trưng cho sự quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, NIC là một trong những mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới do Nhà nước làm chủ với mục tiêu để Việt Nam nắm bắt thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bứt phá vươn lên.
Cùng với đó, Việt Nam đã xuất hiện một số tên tuổi sáng giá, có sức cạnh tranh tầm khu vực về công nghệ cũng như chứng minh được sức sáng tạo của Việt Nam như các tập đoàn: Bưu chính Viễn thông (VNPT), FPT, VinGoup. Đáng chú ý là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa công bố sản xuất được chip 5G. Đây bước tiến dài của trí tuệ Việt, với sự ghi nhận của cộng đồng trong, ngoài nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định: Việt Nam vẫn đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, phát triển khoa học công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo tuy có những bước phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế nhất là tiềm năng trí tuệ của người Việt Nam. Trên thực tế, tốc độ tăng năng suất lao động quốc gia còn khá thấp; hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm cũng chỉ ở mức trung bình…
Mức độ ứng dụng công nghệ từ mức khá đến tiên tiến chỉ chiếm không quá 30% trong số doanh nghiệp Việt Nam và nhiều đơn vị sử dụng dây chuyền sản xuất lạc hậu từ 2-3 thế hệ. Bên cạnh đó, ý thức, khát vọng cũng như nguồn lực dành cho đổi mới sáng tạo của không ít doanh nghiệp rất hạn chế, bị động. Thực tế đó ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, gây tiêu hao nhiều năng lượng dẫn đến suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhìn nhận: Từ tốc độ doanh nghiệp gia nhập thị trường, tín hiệu để cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp còn rất yếu vì họ đã và đang "thấm mệt" trong khoảng 3-4 năm qua. Trước mắt, họ sẽ khó có những khởi sắc nên động lực rất cần chính sách cơ chế".
Tuy nhiên, ở góc độ startup, nhiều quan điểm cho rằng, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục giải ngân vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhờ vào niềm tin dài hạn và các cơ hội đột phá có thể được tạo ra trong giai đoạn kinh tế khó khăn hay khủng hoảng.
Theo các chuyên gia, khả năng đổi mới sáng tạo chính là lợi thế cạnh tranh trong thời đại ngày nay; đồng thời, đặt ra thách thức và cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn được coi là thành phần đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tác động đến tốc độ và kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo. Cụ thể là: Chương trình hỗ trợ cho hơn 100.000 doanh nghiệp Việt Nam các công cụ, giải pháp chuyển đổi số; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đào tạo, phát triển nhân tài; xây dựng và phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam…
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang hợp tác với các trường đại học lớn như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa, Trường Đại học CMC… hiện thực hóa mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn, một trong những ngành công nghiệp trọng tâm trong thời gian tới.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Vũ Trọng Trung, Giám đốc khối nghiên cứu và phát triển - Công ty CP Tập đoàn Austdoor cho rằng, việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ công nghệ tại các doanh nghiệp cần rất nhiều yếu tố để thành công, nhưng cần có những yếu tố quan trọng như sự đầu tư và cam kết lâu dài.
“Để đổi mới sáng tạo đi vào thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa, ngoài sự chỉ đạo, định hướng từ Đảng, Nhà nước, sự quan tâm phối hợp của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, sự tham gia của các doanh nghiệp, thì rất cần sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.