Mô hình ủ phân hữu cơ từ rác thải nông nghiệp ở phường Kim Long |
Cùng với các mô hình phát triển kinh tế, thời gian qua, nhiều HVND trên địa bàn TP. Huế tích cực hưởng ứng chủ trương ủ phân hữu cơ từ rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình. Các HVND tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, như rơm, rạ, thân cây chuối, ngô, lạc, rác thải hữu cơ sinh hoạt… để ủ làm phân hữu cơ vi sinh thay thế phân chuồng và phân hoá học. Phương pháp này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường hàng ngày, mà còn giúp người nông dân tiết kiệm chi phí mua phân bón, vừa giúp cây trồng tăng năng suất, chất lượng, từ đó nguồn thu nhập cũng tăng theo.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, phường Kim Long, một ngày bình quân một hộ gia đình sẽ thải ra từ 2 - 5kg rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải hữu cơ chiếm từ 1 - 3kg. Nếu các hộ thực hiện tốt việc phân loại và ủ rác thải hữu cơ làm phân bón thì lượng rác thải ra môi trường sẽ giảm được từ 60 - 70%, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí trong việc mua phân bón.
Thời gian qua, Hội ND từ thành phố đến cơ sở thường xuyên triển khai vận động HVND tiếp tục thực hiện chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng hữu cơ, an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái; chuyển đổi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao đã làm cho nông nghiệp thành phố có sự chuyển biến tích cực. Từ đó, nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả được triển khai, như: mô hình kinh tế gia trại chăn nuôi kết hợp với trồng trọt; phát triển đa dạng ngành nghề và dịch vụ - du lịch, rau màu và cây ăn quả, cây cảnh,… tiếp tục duy trì và phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế, từng bước phù hợp với nhu cầu thị trường.
Các hội viên nông dân triển khai nhiều mô hình sản xuất giúp nhau phát triển kinh tế |
Một trong những nhiệm vụ được Hội ND thành phố triển khai là đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản, xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và GNBV”. Qua thời gian triển khai, phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình và những tấm gương nông dân đổi mới tư duy sản xuất, đột phá trong tư duy, biết phát huy lợi thế của địa phương để khai thác mọi tiềm năng về đất đai, lao động, nguồn vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho ND phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân TP. Huế, để thực hiện mục tiêu giúp HVND thi đua sản, xuất kinh doanh, đoàn kết giúp nhau làm giàu và GNBV, thời gian tới Hội tích cực vận động hội viên, ND chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sinh thái, cảnh quan, nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng các mô kinh tế gắn với phát triển dịch vụ, du lịch. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào; tập trung nghiên cứu để hướng dẫn, giúp đỡ HVND sản xuất kinh doanh dựa trên những tiềm năng, thế mạnh và tạo sự liên kết, kết nối giữa các địa phương trong vùng; đặc biệt là giúp đỡ các HVND khởi nghiệp.
Qua đó, thực hiện tốt công tác liên kết tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp, sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart của Bưu điện tỉnh và Liên minh Hợp tác xã tỉnh; nghiên cứu để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông sản đạt chất lượng OCOP “Mỗi phường, xã một sản phẩm”, tạo ra những sản phẩm chất lượng, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nhiệm vụ quan trọng giúp HVND thoát nghèo và vươn lên làm giàu là phân vùng không gian sản xuất theo hướng bền vững, lựa chọn, lập kế hoạch sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và liên kết chuỗi giá trị theo các vùng sinh thái, như: sản xuất các cây trồng chủ lực (lúa, rau ăn lá, bưởi, thanh trà, chè, sen) theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao; mô hình nuôi cua trứng tại xã Hương Phong; nuôi lươn thâm canh không bùn trong tại các xã/phường vùng ven thành phố, hình thành các tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với phát triển làng nghề, như: hoa giấy Thanh Tiên, tranh vẽ làng Sình; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.