Công nhân Công ty CP Dệt may Huế tăng tốc cho đơn hàng cuối năm

Từ đầu năm đến nay, các DN trên địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện chịu nhiều tác động tiêu cực do hệ lụy của dịch COVID-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại, lãi suất vay ngân hàng còn cao. Nhiều sản phẩm hàng may mặc, thủy sản, gỗ, vật liệu xây dựng... đều gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây; chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, chính sách hỗ trợ “100 DN chuyển đổi số trong 100 ngày”. UBND tỉnh cũng thành lập các tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Cùng với các giải pháp hỗ trợ kịp thời của tỉnh, nhiều DN tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, có hiệu quả, sản phẩm khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường như: Công ty CP Phát triển thủy sản Huế; Công ty TNHH MSV, Công ty TNHH Hannex,… Bên cạnh đó, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh và ghi nhận sự tăng trưởng, khởi sắc.

 Công nhân Công ty CP Phát triển Thủy sản Huế đang tăng tốc cho đơn hàng cuối năm

Tại Công ty CP Dệt may Huế, các nhà máy đang hoạt động hết công suất. Theo báo cáo của công ty, doanh thu 9 tháng đầu năm của công ty là 1.431 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch, lợi nhuận đạt 72% kế hoạch năm 2023. Doanh thu năm 2023 ước đạt 1.852 tỷ đồng, lợi nhuận từ 110 đến 120 tỷ đồng. Công ty đã đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, chi trả lương và các khoản bổ sung đầy đủ đúng hạn cho gần 4.600 người lao động. Trong khi đó, Công ty TNHH MSV thuộc Khu công nghiệp Phú Bài đã có đơn hàng sản xuất đến tháng 6 năm 2024. Ông Lê Quý Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MSV cho biết, thời điểm hiện tại, gần 1.200 công nhân lao động của công ty đều tăng ca 3 ngày/tuần, mỗi ngày tăng 2 tiếng đồng hồ, thu nhập bình quân của công nhân dao động từ 8 triệu đến 9 triệu/tháng.

Các DN trong lĩnh vực xuất khẩu khác cũng vượt khó đảm bảo việc làm cho người lao động. Bà Hà Thị Kiều Lang, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Thủy sản Huế thông tin, dự kiến kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2023 của công ty vượt so với kế hoạch đề ra. Nhờ uy tín về chất lượng, tiến độ giao hàng với thị trường khó tính là Nhật Bản, sản lượng đơn hàng của DN tăng trưởng ổn định, doanh thu tháng sau cao hơn tháng trước. “Tháng 7 vừa qua, công ty quyết định tăng 10% lương cho toàn bộ người lao động trong công ty, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 300 công nhân”, bà Kiều Lang nói.

 Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, hiệp hội đang tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các DN, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là dự án công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; phổ biến các chương trình, kế hoạch hỗ trợ của các ban, ngành nhằm khuyến khích các DN đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm.

Tăng cường cung cấp thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất, nhập khẩu chủ yếu của tỉnh để doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có các kế hoạch thích ứng phù hợp. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử nhằm hỗ trợ DN quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các DN về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức để tận dụng cơ hội từ các Hiệp định FTA; trong đó, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu hàng hóa, định hướng cho DN chủ động phát triển sản xuất cũng là trọng tâm ưu tiên của ngành trong thời gian còn lại của năm.

Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 trên địa bàn tỉnh ước đạt 82,2 triệu USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ; cả năm ước đạt 1.100 triệu USD, giảm 2,02% so với cùng kỳ và đạt 87,4% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu tháng 11 ước đạt 55 triệu USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ; cả năm ước đạt 650 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ và đạt 81,3% kế hoạch. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng khoảng 2,7% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,5%. Giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2023, ước đạt 12.100 tỷ đồng, ước tăng 7,91%.


Bài ảnh: HẢI THUẬN