Khách du lịch đến tham quan tại Singapore. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Theo đó, bà Jacquelyn Tan, người đứng đầu Nhóm dịch vụ tài chính cá nhân tại Ngân hàng UOB nhận định: “Khuynh hướng của người tiêu dùng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối với du lịch, ăn uống và giải trí là minh chứng cho thấy họ yêu thích tìm kiếm trải nghiệm, hơn là vật chất”.
“Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy giải trí là một không gian rất hứa hẹn đối với UOB. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang tiến sâu vào lĩnh vực này để phục vụ tốt hơn lối sống đầy khát vọng của khách hàng”, bà Jacquelyn Tan nói thêm.
Cũng theo dữ liệu của Ngân hàng UOB, trên toàn khu vực, du lịch vẫn đứng ở vị trí cao trong danh sách của nhiều người, với mức chi tiêu liên quan đến du lịch được ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 9 năm nay đã tăng hơn gấp đôi, so với cùng kỳ 9 tháng trong năm 2022.
Bên cạnh đó, chi tiêu thẻ liên quan đến mua sắm cũng tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi tiêu cho thương mại điện tử tăng gần 80%. Dịch vụ ăn uống cũng chứng kiến bước nhảy vọt hơn 60%.
Các phương thức thanh toán thay thế tiền mặt
Đối với thói quen chi tiêu, cách thức mà người tiêu dùng chọn để thực hiện các khoản thanh toán cũng đang thay đổi. Tiền mặt không còn là lựa chọn tất yếu nữa, khi ngày càng có nhiều người sử dụng nhiều phương thức thanh toán thay thế.
Dữ liệu của UOB chỉ ra, trên khắp khu vực ASEAN ngày nay, khoảng 40% tổng chi tiêu được thực hiện thông qua các giao dịch thương mại điện tử. Đáng chú ý, tại Singapore, con số này cao hơn, ở mức khoảng 50%.
Ngoài ra, nghiên cứu về tâm lý người tiêu dùng ASEAN mới nhất của ngân hàng này cũng cho thấy, ví điện tử, các nền tảng thanh toán thương mại điện tử và ngân hàng di động là những phương thức thanh toán phổ biến nhất trong khu vực; trong vòng 12 tháng qua, cứ 2 người tiêu dùng thì có khoảng 1 người sử dụng ít nhất một trong các phương thức này.
Trong khi đó, cứ 5 người tiêu dùng thì có khoảng 1 người cho biết, họ cũng có kế hoạch sử dụng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng trên ví di động trong 6 - 12 tháng tới.
Thanh toán xuyên biên giới
Ngân hàng UOB cho biết thêm, ngày càng có nhiều người tiêu dùng lên mạng để đổi ngoại tệ, trong bối cảnh ngành du lịch “lấy lại phong độ” trong thời kỳ hậu đại dịch.
Cơ sở khách hàng của UOB dành cho Mighty FX, nơi cung cấp cho khách hàng khả năng tiếp cận tỷ giá hối đoái cạnh tranh 24/24 đối với 11 loại tiền tệ chính, đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 45% từ tháng 1 - 9 năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong thời gian này, Mighty FX đã xử lý lượng chuyển đổi tiền tệ nhiều hơn gần 70%, với số lượng giao dịch tăng hơn 115%.
Dữ liệu chỉ ra, các điểm đến du lịch phổ biến trong năm nay bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Australia, những quốc gia có loại tiền tệ ghi nhận số lượng chuyển đổi cao nhất trong 9 tháng đầu năm 2023.
Qua đó, bà Jacquelyn Tan cho rằng: “Khi ASEAN trở thành một thị trường tiêu dùng tích hợp kỹ thuật số hơn, chúng tôi kỳ vọng các phương thức thanh toán kỹ thuật số và không dùng tiền mặt như vậy sẽ tiếp tục phát triển phổ biến”.