Chi cục Kiểm lâm trồng rừng bản địa tại Phong Điền |
Chưa tạo chuyển biến lớn
Trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa được xem là hướng đi mới, phù hợp với xu thế tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước, ứng phó biến đổi khí hậu. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 11 ngàn ha rừng trồng gỗ lớn và 11.300ha được cấp chứng chỉ rừng FSC. Trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập 25 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững để làm khâu trung gian, kết nối, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rừng trồng cho nông dân, đặc biệt là rừng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 14 cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản, hằng năm sử dụng trên 1 triệu tấn nguyên liệu gỗ. Sản phẩm và bán thành phẩm được sản xuất là dăm gỗ bình quân mỗi năm khoảng 1 triệu tấn, ván bóc trên 5.000m3, gỗ thanh 6.000m3, đồ gỗ 500 sản phẩm, ván dăm 7.000m3.
Ngành lâm nghiệp thời gian qua có sự đóng góp rất lớn trong sự phát triển kinh tế chung của nhiều địa phương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hoạt động sản xuất lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, diện tích và chất lượng sản phẩm có tăng nhưng chưa tạo được chuyển biến lớn, tồn tại nhiều nguy cơ thiếu bền vững, dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai, dịch bệnh.
Cơ cấu cây trồng lâm nghiệp chưa đa dạng, mức độ rủi ro cao, năng suất và hiệu quả còn thấp, đổi mới sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn. Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất phát triển chậm, hiệu quả chưa ổn định. Vốn đầu tư cho lĩnh vực lâm nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Số liệu trên cho thấy, sản phẩm chế biến chủ yếu là dăm gỗ chiếm 98% trên tổng sản lượng sản phẩm gỗ qua sơ chế và chế biến. Sản lượng dăm gỗ chiếm tỷ trọng cao cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế kết quả thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn của tỉnh. Khai thác rừng trồng 4 năm tuổi tuy giải quyết thu nhập trước mắt, nhưng làm giảm tới 2/3 giá trị thu nhập của người trồng rừng so với trồng rừng gỗ lớn 7-8 năm tuổi. Kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ chiếm khoảng 50% (trong khi tỷ lệ dăm trên tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản hằng năm của cả nước dao động khoảng 12%).
Cần giải pháp đồng bộ
Hướng đến mục tiêu tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng, tài nguyên đa dạng sinh học, ngành lâm nghiệp tỉnh đã đề ra mục tiêu duy trì ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 57,1-57,5%. Đồng thời, duy trì ổn định diện tích và từng bước cải thiện chất lượngrừng tự nhiên hiện có hơn 205 ngàn ha, trồng rừng kinh tế bình quân mỗi năm 6.000ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên 600-700ha/năm. Mỗi năm trồng bình quân 1 triệu cây rừng phân tán và tăng diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững khoảng 1.500-2.000ha/năm…
Ông Trần Vũ Ngọc Hùng, Phó Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, để đạt mục tiêu đề ra cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tích cực. Theo đó, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách lâm nghiệp quốc gia, các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển lâm nghiệp của địa phương. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cần phải quản lý, tính toán chặt chẽ, phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Các chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi cần điều phối, lồng ghép và tổ chức thực hiện một cách hiệu quả.
Ngành lâm nghiệp nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể của địa phương để hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng và chế biến, thương mại lâm sản; nghiên cứu ban hành quy định mức hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng tự nhiên và lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Các thành phần kinh tế cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư kinh doanh, phát triển rừng, xây dựng cơ chế, chính sách bảo hiểm lâm nghiệp, bảo hiểm rừng trồng.
Để phát triển rừng, đặc biệt rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển, biên giới, rừng ngập mặn cần xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực từ Trung ương, địa phương và các chủ rừng. Các hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh được đẩy mạnh nhằm hình thành các khu rừng trồng bản địa nhiều tầng tán mô phỏng theo mô hình diễn thế của rừng tự nhiên để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Để tăng nhanh diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên có chứng chỉ quản lý rừng bền vững phải nghiên cứu, khảo nghiệm các loài, giống cây mới để trồng rừng kinh tế, đa dạng hóa rừng sản xuất, từng bước tiến tới thâm canh tăng năng suất.
Các chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư được tận dụng, phát huy để kêu gọi các doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động chế biến và thương mại lâm sản. Duy trì và phát triển thêm các nhà máy chế biến gỗ, ưu tiên nâng cấp các nhà máy chế biến gỗ chuyên sâu với dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín, tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Các hình thức liên kết giữa các thành phần kinh tế và kinh tế hợp tác, gắn trồng rừng với công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị cần được đầu tư phát triển. Các doanh nghiệp, tập đoàn cần đầu tư phát triển đủ lớn mạnh, có khả năng dẫn dắt, hỗ trợ người dân sản xuất đáp ứng với nhu cầu thị trường…