Phương tiện giao thông ra cửa Thượng Tứ. Ảnh: MC

Kinh đô Huế vào thế kỷ XIX là trung tâm chính trị, hành chính của nước Việt Nam, đầu não chỉ huy các hoạt động đối nội và đối ngoại của triều Nguyễn; có nghĩa là, vào thế kỷ XIX, Cố đô Huế là con tim, nơi tụ hội và lan tỏa các mạch máu giao thông của đất nước, là trung khu của hệ thần kinh quốc gia để vận chuyển thông tin, chỉ thị của triều đình Huế đến với tất cả địa phương trong cả nước, quốc tế và ngược lại.

Giao thông Huế vào nửa đầu thế kỷ XIX không chỉ là huyết mạch, cơ sở để củng cố nền thống nhất quốc gia, là phương tiện chuyển tải thông điệp của triều đình đến với nhiều nước trên thế giới mà còn là giải pháp quan trọng trong việc xác lập, bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh thổ; trong đó, có chủ quyền biển đảo dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng đạt được đỉnh cao là nhờ vào sức mạnh của thủy quân qua vận tải đường thủy viễn dương.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế có các loại hình giao thông như: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không; có bến xe, bến tàu, ga tàu, cảng nước sâu, sân bay quốc tế đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế đất nước và địa phương. Cuốn sách tập trung vào 3 chủ đề: Hệ thống giao thông tại Kinh thành Huế; Hệ thống giao thông Thừa Thiên Huế xưa và nay; Phát huy giá trị hệ thống giao thông ở Thừa Thiên Huế.

Theo TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh, giao thông vận tải là một lĩnh vực quan trọng của quốc gia, ở Kinh đô Huế dưới thời các vị vua đầu triều Nguyễn hoạt động này đã đáp ứng kịp thời quá trình điều hành đất nước. Điều đó thể hiện qua sự tác động mạnh mẽ vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, ngoại giao và kết quả đem lại đã hình thành nên một Việt Nam - một quốc gia hùng mạnh trong khu vực.

Trong bài “Tri thức dân gian về định vị giao thông trên biển ở Thừa Thiên Huế”, TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh cho rằng, việc định vị theo cách truyền thống trên vùng biển Thừa Thiên Huế được thực hiện chủ yếu dựa vào các tiêu điểm gần bờ. Điều này cũng một phần cho thấy khả năng vươn khơi cho đến thế kỷ XIX, thậm chí là thế kỷ XX của tàu thuyền Việt Nam còn khá hạn chế. Ngư dân địa phương, với ghe nan, thuyền thúng và hướng di chuyển chính là ra khơi vào lộng theo chiều đông - tây, những ngọn núi quen thuộc chính là những mốc định vị mà họ thường xuyên sử dụng. Với các thuyền buôn (chủ yếu là ghe bầu) di chuyển dọc bờ biển theo chiều Nam - Bắc thì các cửa biển là những mốc định vị quan trọng.

ThS. Trương Hồng Trường, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, ĐH Huế đề xuất các giải pháp tổ chức “vòng giao thông tuần hoàn” để giảm tải cho Kinh thành Huế dựa trên 4 trục giao thông chính. Bao gồm: Trục 1: Phương tiện giao thông vào từ cửa Nhà Đồ - đường Nguyễn Trãi - lối ra cửa An Hòa; Trục 2: Phương tiện giao thông vào từ cửa Chánh Bắc - đường Đinh Tiên Hoàng - lối ra cửa Thượng Tứ; Trục 3: Phương tiện giao thông vào từ cửa Đông Ba - đường Mai Thúc Loan - đường Đặng Thái Thân - đường Yết Kiêu - lối ra cửa Hữu; Trục 4: Phương tiện giao thông vào từ cửa Chánh Tây - đường Thái Phiên - lối ra cửa Kẻ Trài.

Cũng theo ThS. Trương Hồng Trường, đây là 4 trục giao thông chính 1 chiều ra vào kinh thành kết nối bởi 8 cổng thành hiện tại. Thông qua 4 nút giao thông được giao cắt bởi 4 trục chính, sẽ thiết lập thêm các “vòng giao thông tuần hoàn thứ cấp” tiếp theo xung quanh các nút này. Đây là giải pháp sẽ giảm tải và áp lực lên hệ thống giao thông cho toàn kinh thành nói chung và áp lực lưu thông lên hệ thống cầu vòm gạch - đá bắc qua sông Ngự Hà nói riêng, nhằm đảm bảo lưu thông tốt hơn.

Cuốn sách công bố những kết quả nghiên cứu và tư liệu về lịch sử giao thông Thừa Thiên Huế từ thế kỷ XIX đến nay và đưa ra các giải pháp phát huy giá trị giao thông tại Thừa Thiên Huế trong tương lai.

Nguyễn Anh Tuấn