Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Đọc tác phẩm của anh, bạn đọc luôn bị ám ảnh với những trang viết về kiểu người, hiện tượng xã hội dị biệt, những thân phận khốc liệt. Có phải anh luôn nhìn cuộc đời một cách gai góc và nghi hoặc?

Kiểu người dị biệt, hiện tượng xã hội dị biệt, thân phận khốc liệt… đó là điều thường thấy trong các tác phẩm của tôi, và như anh nói, điều đó đã khiến cho bạn đọc “luôn bị ám ảnh”. Đó là chủ ý của tôi, và nếu quan sát ở một góc độ nào đó thì đó cũng là đặc điểm chung của văn học. Anh cứ thử nghĩ mà xem, những tác phẩm nổi tiếng đông tây kim cổ xưa nay được người đời nhớ mãi chính là bởi sự “dị biệt”, sự khác thường, thậm chí là sự hoang đường. “Tây Du Ký” là chuyện về một con khỉ và những loài yêu quái. “Đôn Ki-hô-tê - nhà quý tộc tài ba xứ Mantra” là câu chuyện về anh chàng ảo tưởng. Hay “chập cheng” Đông Ki Sốt, “Trăm năm cô đơn” là câu chuyện về một ngôi làng có quá nhiều những điều kỳ quái, “Truyện Kiều” là chuyện về một cô… gái điếm, Thánh Gióng thì ba tuổi đã biết cầm gậy sắt đánh giặc, Thạch Sanh thì nấu được nồi cơm cả vạn quân ăn hoài không hết, “Tấm Cám” là chuyện gái đẹp chui ra từ quả thị, “Chí Phèo” là chuyện về một tên lưu manh say khướt và một thôn nữ “xấu ma chê quỷ hờn”…  Xét cho cùng, sống mãi trong lòng người đọc là bởi những điều “dị biệt” như thế. Văn học là đời sống nhưng là một đời sống khác thường, độc lạ, đặc trưng và đặc biệt. Nhà văn thường dùng cái khác thường để nói về cái bình thường, lấy cái bộ phận để nói về cái toàn thể, dùng sự khiếm khuyết để nói về sự hoàn thiện. Riêng tôi, tôi tin yêu cuộc đời này và luôn nhìn đời một cách trìu mến! (cười)

Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, cái tên Nguyễn Đình Tú nổi lên và trở thành hiện tượng trên văn đàn và nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú thật sự có chỗ đứng trong nền văn học đương đại. Có cảm giác như vài năm trở lại đây, Nguyễn Đình Tú “kín tiếng” hơn. Nhiều bạn đọc tò mò, thắc mắc cái lý do “chững lại” đó của anh?

Có hai lý do: Một là, bản thân trở nên khó tính hơn, vì vậy bản thảo mới viết cứ sửa đi sửa lại nhiều lần mà vẫn chưa thể công bố được. Hai là, tự nhiên thấy không thích ra sách nữa. Đầu sách xuất bản như thế cũng là kha khá rồi, nếu chỉ thêm một đầu sách nữa thì có khác gì không? Tự hỏi thế rồi tự trả lời rằng, có lẽ cũng thế thôi, chẳng làm nên điều gì khác hơn một Nguyễn Đình Tú của 11 đầu tiểu thuyết đã công bố. Lẩn thẩn nghĩ ngợi thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đã 4 năm chưa ra sách mới. Lần này, nhân dịp anh hỏi, cũng thật lòng chia sẻ để thấy vì sao lại có cái chuyện chững lại là như vậy.

Từ một nhà văn viết nhiều, viết hay về những góc cạnh của “chợ đời” đương đại với cái nhìn gai góc, độc đáo… Gần đây Tú chuyển sang viết cho thiếu nhi với cái nhìn hồn nhiên trong trẻo. Phải chăng, anh muốn có sự thay đổi để thoát khỏi sự nhàm chán, hay vì một lý do nào khác?

Trước hết là muốn thay đổi. Thay đổi, hoặc là làm mới, làm khác luôn là nhu cầu tự thân trong tôi. Chưa từng viết cho thiếu nhi thì bây giờ viết cho thiếu nhi xem sao, đó là một cách làm mới mình. Nhưng cũng còn có các lý do khác nữa. Ví dụ như hàng ngày vẫn đưa con đi mua sách, thấy con thích đọc sách thiếu nhi, tự nghĩ mình là nhà văn liệu có nên viết một cuốn cho con mình đọc không nhỉ? Hoặc đôi lúc nghĩ lại, nhận thấy khoảng trời thơ ấu của mình còn nhiều điều chưa đưa vào trang sách nào cả. Hoặc đơn giản là bỗng phát hiện ra, người lớn bây giờ rất ít đọc sách, bạn đọc đông đảo nhất bây giờ lại thuộc về lứa tuổi… thiếu niên, nhi đồng. Thế là viết thôi.

Sống giữa thời đại công nghệ số hiện nay, anh nhận xét như thế nào về cái sự đọc hiện nay của bạn trẻ? Anh có nghĩ rằng rồi đến lúc nào đó, con người sẽ quay lưng lại với văn chương?

Sự đọc hiện nay rất đáng buồn. Tôi hay đi nói chuyện về văn hóa đọc cho các tỉnh thành và tôi nhận ra rằng, đối tượng cần phải đọc nhiều nhất là các thầy, cô giáo thì họ cũng rất ít đọc. Đọc sách văn học bây giờ chỉ co cụm lại trong các nhóm hoặc cộng đồng đọc cùng sở thích, như nhóm đọc truyện trinh thám, nhóm đọc truyện lịch sử, nhóm đọc truyện chiến tranh, nhóm đọc truyện giả tưởng… Cứ nhìn vào số lượng phát hành của các tờ báo và tạp chí chuyên về văn học hoặc số lượng sách văn học phát hành trên mỗi tựa sách thì đủ biết bạn đọc văn học bây giờ “lèo tèo” như thế nào. Tất nhiên thay đọc bằng mắt và đọc trên giấy, bạn đọc có thể nghe bằng tai hoặc đọc sách điện tử, nhưng không thể phủ nhận được một thực tế là số người đọc sách văn học đang ít đi.

Giới trẻ trong xã hội hiện đại ngày càng ít đọc sách.  Ảnh minh họa: Bảo Phước

Còn con người có quay lưng lại với văn học không thì tôi nghĩ là không. Bởi văn học gắn liền với chữ viết, khi nào con người còn cần đến chữ viết thì còn đọc tác phẩm văn học. Và chừng nào văn học còn được giảng dạy trong nhà trường thì còn bạn đọc, còn bạn đọc thì còn có các nhà văn tương lai, còn có các nhà văn thì còn văn học…

Những năm trở lại đây, đời sống văn học nước nhà có vẻ trầm lặng. Có chăng chỉ là những ý kiến trái chiều sau một cuộc thi sáng tác nào đó, hoặc về một bài thơ đưa vào sách giáo khoa. Ông mong đợi điều gì cho nền văn học nước nhà trong thời gian sắp tới?

Không gieo trồng thì không mong có ngày gặt hái thành quả được. Muốn có mùa vàng bội thu về văn học thì cả dân tộc cần phải chuẩn bị cho nó. Chuẩn bị điều gì? Một nền tảng văn hóa tốt, một môi trường sáng tác tốt, một nền văn học đa dạng được hình thành, một thế hệ nhà văn tài năng xuất hiện, một lớp công chúng (bạn đọc) lý tưởng chờ đợi những tác phẩm xứng tầm… Tóm lại tôi mong đợi một bầu sinh quyển văn chương tốt đến với chúng ta, rồi từ đó mới dám mong đợi những hạt vàng là những tác phẩm cụ thể chói sáng xuất hiện. 

Xin cám ơn nhà văn!

Trần Văn Toản