Cảng Chân Mây vươn đón những tàu cỡ lớn. Ảnh: Nguyễn Phong 

Điều gì khiến một hãng tàu đang sở hữu và vận hành 36 tàu container đi 170 điểm đến tại 28 quốc gia như RCL lại chọn cảng Chân Mây của Thừa Thiên Huế để mở tuyến đường biển mới trong kế hoạch triển khai tàu vào miền Trung Việt Nam, thay vì cảng Tiên Sa hay cảng Đà Nẵng…

Tiềm năng, lợi thế & ưu đãi

Sau gần 1 năm triển khai dịch vụ hàng container, cảng Chân Mây đã tiếp nhận và xếp dỡ 65 chuyến tàu container cập cảng (21 chuyến tàu ngoại, 44 chuyến tàu nội) với sản lượng thông qua là 7.370 TEU, tương đương 110.640 tấn hàng hóa. Dự kiến đến cuối năm 2023, sẽ có thêm 12 chuyến nội địa và 4 chuyến quốc tế với sản lượng lên 1.716 TEU, tương đương khoảng 28.350 tấn hàng hóa.  

“Giai đoạn 2019 - 2022, hàng hóa vận chuyển trong nước và đi nước ngoài của Công ty TNHH MTV Đầu tư & chế biến khoáng sản Phenikaa Huế (Tập đoàn Phenikaa) thông qua đường bộ và cảng Đà Nẵng với chi phí khá cao. Đến năm 2023, chúng tôi chuyển một phần hàng qua cảng Chân Mây theo tuyến container nội địa. Nhờ giảm được chi phí vận chuyển, hàng tạo được cạnh tranh nên trước tình hình khó khăn do khủng hoảng kinh tế, công ty vẫn hoạt động, sản xuất ổn định”, đại diện công ty này chia sẻ. 

Theo ông Huỳnh Văn Toàn – Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây, bên cạnh năng suất xếp dỡ container, cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị…, yếu tố quan trọng là lãnh đạo, các ban, ngành, chính quyền luôn đồng hành với đơn vị, với các doanh nghiệp (DN), cũng như chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh mang lại hiệu quả rất lớn trong thúc đẩy, phát triển cho cảng Chân Mây, qua đó, tạo môi trường thu hút đầu tư, xuất, nhập khẩu thuận lợi. 

Ngoài cơ chế, chính sách ưu đãi chung, Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết riêng nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container, các DN có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây. Sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay đã có một số hãng tàu, DN được hưởng chính sách hỗ trợ, như: Công ty TNHH Vận tải container Hải An (hãng tàu Hải An), Công ty CP Đầu tư A&B Việt Nam, Công ty TNHH Baosteel Can Making (Huế), Công ty CP Frit Phú Xuân… với tổng số tiền được hỗ trợ gần 8 tỷ đồng. Và ước tính, ngân sách chi hỗ trợ cho các hãng tàu, DN có hàng hóa vận chuyên bằng container qua cảng đến hết năm 2023 khoảng 18 tỷ đồng. 

  Cảng Chân Mây ngày càng thu hút nhiều tàu container đến làm hàng

Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Toàn cũng cho biết, qua các buổi làm việc, công ty cũng nhận được một số phản hồi từ phía các DN, như: cơ sở hạ tầng logistics trên địa bàn chưa đồng bộ, thiếu hệ thống các trung tâm logistics; khó khăn trong thu hút nguồn hàng; sản lượng hàng hóa của khu vực miền Trung không nhiều, mất cân đối giữa hàng xuất khẩu và nhập khẩu… 

Từ những hạn chế này, phía cảng Chân Mây mong muốn chính quyền, các sở, ngành chức năng tiếp tục duy trì mức hỗ trợ, đồng thời, gia hạn thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ từ 3-5 năm; sớm hoàn thành giai đoạn 2 - Dự án đê chắn sóng; tiếp tục kêu gọi, thu hút DN đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics, cảng ICD, kho bãi, dịch vụ hậu cần… để cùng DN khai thác cảng thu hút các hãng tàu quốc tế thuận lợi hơn. 

Để xứng tầm là cảng tổng hợp quốc gia

Thực tế cho thấy, dịch vụ logistics ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động cũng như tạo ra sức cạnh tranh của DN trên thị trường. Những DN liên quan đến xuất – nhập hàng hóa bằng đường biển đều mong có một cảng biển đáp ứng được các tiêu chí chính: thời gian vận chuyển, chi phí vận chuyển và chất lượng dịch vụ. 

Riêng với cảng Chân Mây, ngoài lợi thế là có cảng nước sâu còn có sự quan tâm, hỗ trợ tối đa về chính sách để thu hút các hãng tàu vào làm hàng tại cảng. Tuy nhiên, hiện các hãng tàu quốc tế vào làm hàng còn hạn chế nên việc xuất, nhập khẩu container của DN trên địa bàn và các tỉnh lân cận qua cảng chưa tương xứng với tiềm năng.

 

Theo ông Nguyễn Xuân Linh – Giám đốc điều hành Tập đoàn Scavi tại miền Trung, trong thời điểm lượng hàng hóa chưa nhiều và các hãng tàu quốc tế đang trong giai đoạn tiếp cận để vào khai thác, cảng Chân Mây và Thừa Thiên Huế cần có thêm chính sách thu hút các hãng tàu nội địa, qua đó, trở thành cầu nối liên kết trực tiếp với hãng tàu quốc tế và tiến hành trung chuyển container xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận đi từ cảng Chân Mây và sang container qua tàu quốc tế tại một số cảng trên toàn quốc như Cái Mép, Hải Phòng… trước khi xuất khẩu sang nước ngoài.  

“Cảng Chân Mây nên thống kê, lựa chọn một tuyến vận chuyển quốc tế mà các DN trên địa bàn và các tỉnh lân cận có nhu cầu nhiều nhất để làm việc với một số hãng tàu quốc tế tiềm năng, đưa vào khai thác chứ không nên dàn trải, đồng thời, chạy thử nghiệm một chuyến tàu quốc tế nhằm đánh giá ưu - nhược điểm, từ đó có các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn cho các chuyến tiếp theo”, ông Linh đề xuất.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế nên hình thành một trung tâm logistics cung cấp các dịch vụ hậu cần cho DN, như cho thuê container, thuê kho với chất lượng dịch vụ và chi phí tối ưu; kết nối với Hải quan, cơ quan chức năng để cung cấp các dịch vụ thông quan đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện nhất; có giải pháp cạnh tranh về thời gian vận chuyển so với các cảng trong vùng, cụ thể là cảng Tiên Sa, cảng Đà Nẵng… 

Trở lại với việc hãng tàu RCL mở tuyến vận chuyển container quốc tế qua cảng Chân Mây, điều này không chỉ nói lên tiềm năng, lợi thế, mà còn là động lực, là chất xúc tác để thu hút ngày càng nhiều hơn các DN nội địa, quốc tế, các hãng tàu lớn về cảng Chân Mây, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nói riêng, tỉnh Thừa Thiên nói chung.

Và để khai thác ngày càng hiệu quả những tiềm năng, lợi thế, từng bước xây dựng cảng Chân Mây xứng tầm là cảng tổng hợp quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho hay, đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, vận động các DN trong và ngoài tỉnh luân chuyển hàng container qua cảng Chân Mây; rút giảm các chí phí liên quan; nghiên cứu mở thêm các tuyến hàng container trong nước/quốc tế; rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét gia hạn thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ cho hãng tàu, DN xuất nhập hàng container qua cảng Chân Mây; hoàn chỉnh hạ tầng logistics…

“Thừa Thiên Huế cam kết luôn nhất quán chủ trương “Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ” cùng cộng đồng DN với phương châm “luôn hướng đến và lấy DN là trung tâm, là động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững, tự chủ của tỉnh nhà”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh khẳng định.

Bài, ảnh: Hàn Đăng - Biểu đồ: Hương Trà