Cầu lông Huế đang có những gương mặt trẻ tỏa sáng 

Đã có “măng mọc”

Cầu lông Huế từng có Nguyễn Quang Phong. Tại SEA Games 2005, Nguyễn Quang Phong cùng với những cây vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Hoàng Hải, Trần Thanh Hải và Trần Quang Minh giành được tấm HCĐ đồng đội nam. Đây là tấm huy chương duy nhất và nhờ đó, cầu lông Việt Nam xếp thứ 5 toàn đoàn. Giai đoạn 2005 - 2015, bên cạnh Nguyễn Quang Phong, cầu lông Huế còn có Ngô Viết Ngọc Huy, Dương Quốc Khánh và Trần Thị Thanh Xuân. Dương Quốc Khánh và Trần Thị Thanh Xuân liên tục giành huy chương ở các giải trẻ. Còn Ngô Viết Ngọc Huy luôn dao động trong top 6 - 10 toàn quốc.

Ngô Viết Ngọc Huy (sinh 1991), từng có dịp cọ xát nhiều với những tên tuổi cầu lông của Việt Nam như Tiến Minh, Trần Văn Trì (Quảng Trị) - người dẫn đầu bảng xếp hạng vận động viên cầu lông Việt Nam (tính đến tháng 10/2016) với 2.800 điểm. Thậm chí, có những cuộc chạm trán với Trần Văn Trì, Ngô Viết Ngọc Huy là người giành chiến thắng. Đáng tiếc, đang vẫn còn nằm ở vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng cầu lông toàn quốc thì bất ngờ Ngọc Huy giải nghệ (năm 2015). Lý do là phải tìm công việc khác làm ăn để ổn định cuộc sống. Cùng với việc Ngô Viết Ngọc Huy “nghỉ chơi”, còn có nhiều tên tuổi khác cũng bằng cách này hay cách khác chia tay, khiến cầu lông Thừa Thiên Huế một thời gian dài rơi vào “khoảng lặng”.

Sau một thời gian nỗ lực đào tạo vượt khó, đáng mừng theo ông Đặng Nhĩ Hà, Trưởng bộ môn Cầu lông Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, cầu lông Thừa Thiên Huế đã và đang xuất hiện lứa vận động viên (VĐV) mới có nhiều triển vọng. Đáng kể trong số đó là Trần Nguyễn Nhật Vũ xuất sắc giành được HCĐ Giải vô địch trẻ quốc gia năm 2022, giải đấu chỉ xếp sau Giải Vô địch Quốc gia. Nguyễn Tất Duy Lợi giành HCV ở Giải thiếu niên, trẻ xuất sắc toàn quốc 2022 và HCB Giải vô địch các nhóm tuổi toàn quốc năm 2022. Ngoài ra, còn có Nguyễn Phước Lê Pháp giành 2 HCĐ Giải thiếu niên, trẻ xuất sắc toàn quốc 2022. Mới đây, tại Giải vô địch các nhóm tuổi toàn quốc năm 2023, Vũ Uyên Nhi và Lê Anh Cát Tường cũng giành được HCĐ.

Cầu lông là một trong số 15 bộ môn mà đoàn thể thao Thừa Thiên Huế đăng ký tranh tài tại Đại hội TDTT toàn quốc vào tháng 12/2022. Bộ môn cầu lông đăng ký thi đấu 6 VĐV, gồm 5 VĐV nam và 1 VĐV nữ; tham gia 5 nội dung: Đồng đội nam, đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nam nữ. So với đội hình trước đó 5 năm, đội hình này gần như mới toanh.

Bệ phóng của cầu lông

Phong trào cầu lông ở Thừa Thiên Huế nằm trong top những địa phương dẫn đầu cả nước. Những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng cầu lông đã trở thành môn thể thao hiện diện thường xuyên trong nhiều đơn vị, cơ quan, ban, ngành cũng như nhiều cá nhân, gia đình trên địa bàn. Toàn tỉnh có hàng trăm sân thi đấu trong nhà và sân cầu lông ngoài trời, nhiều câu lạc bộ, điểm tập, thu hút sự tham gia tập luyện của hàng nghìn người ở mọi lứa tuổi. Ngoài 9 huyện, thị, thành phố, phong trào cầu lông còn được “phủ sóng” rộng khắp ở các xã, phường.

Đáng chú ý trong phong trào là sự phát triển theo hướng xã hội hóa, cùng với hoạt động hiệu quả của các câu lạc bộ cầu lông, đã tạo điểm tựa vững chắc cho việc phát hiện, đào tạo lực lượng VĐV. Có thể kể đến các tên tuổi như: CLB Vũ Bảo, CLB Phú Xuân, CLB Hương Thủy, CLB An Thùy, CLB Hoàng Nguyễn… Theo đánh giá chung, VĐV của các CLB cầu lông có sự phát triển tốt về chuyên môn, giành được nhiều thứ hạng cao khi tham gia các giải mở rộng ở Bắc - Trung - Nam. CLB Vũ Bảo là đơn vị đồng hành với nhiều giải đấu cầu lông trong tỉnh, đặc biệt đã cùng với Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Liên đoàn Cầu lông tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Giải Cầu lông các Câu lạc bộ tỉnh Thừa Thiên Huế mở rộng.

Mới đây, Giải Cầu lông các Câu lạc bộ tỉnh Thừa Thiên Huế mở rộng lần thứ V đã quy tụ 33 CLB trong và ngoài tỉnh, với 630 VĐV tham dự. Không chỉ có số VĐV cao nhất so với các giải tổ chức từ trước tới nay, giải đấu năm nay còn quy tụ hầu hết các VĐV xuất sắc của Thừa Thiên Huế cũng như ở nhiều địa phương trong cả nước. Tranh tài ở 10 nhóm tuổi, với 31 bộ huy chương, các VĐV tham gia thi đấu nhiệt tình, tích cực, thể hiện được trình độ chuyên môn cao, cống hiến cho khán giả những trận cầu hấp dẫn và sôi nổi.

Cầu lông là môn phổ biến nên số lượng các tỉnh tham gia thi đấu ở các giải đông, trong khi số lượng nội dung thi đấu (bộ huy chương) ít, nên việc giành được huy chương khá khó, ảnh hưởng hệ thống phong đẳng cấp (hưởng chế độ theo đẳng cấp). Muốn phát triển và giữ vững đỉnh cao để có hy vọng tiếp cận được với các chuyên gia cầu lông hàng đầu, địa phương phải phấn đấu cật lực để có được nhiều suất ở tuyển quốc gia. Các “nôi” cầu lông thường đầu tư lớn trong tập luyện, tập huấn (trong và ngoài nước), thi đấu giao hữu, thậm chí mua quân... Điều này không dễ dàng với Thừa Thiên Huế còn đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Đặng Nhĩ Hà chia sẻ, qua giải cầu lông toàn tỉnh đã phát hiện nhiều VĐV có triển vọng trong lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Tiêu biểu có em Ngô Quý Tâm Châu (U9), Nguyễn Phước Lê Pháp, Hồ Trọng Tiến (U14). Tin tưởng rằng, đây sẽ là niềm hy vọng tương lai cho cầu lông xứ Huế. Cũng theo ông Đặng Nhĩ Hà, để khơi dậy và giữ lửa cho phong trào, cùng với tổ chức giải đấu cho hệ thống phong trào tỉnh, ngành văn hóa thể thao sẽ đồng thời phối hợp với Liên đoàn Cầu lông tỉnh tổ chức giải cầu lông mở rộng để thu hút các VĐV có thành tích cao trong cả nước, để qua đó tạo cơ hội cho các VĐV cầu lông tỉnh nhà có thêm nhiều cọ xát, học hỏi kinh nghiệm và phát triển hơn về chuyên môn...

Bài, ảnh: Bá Trí