Cô nhớ những đêm gió lạnh thời sinh viên, cô cùng nhóm bạn thân đội mưa đến “phố bắp nướng” trên đường Lê Lợi. Dù khuya nhưng gần chục quang gánh ở đó vẫn rộn ràng đón khách. Bên bếp than hồng, chúng bạn vừa thổi thổi ăn khoai, bắp nướng, vừa chuyện trò liến thoắng. Mùi thơm ngào ngạt, hương khói tỏa ra, nụ cười lan xa, cô vẫn nhớ âm ỉ những mùi hương, thanh âm xa vắng đó. Vẫn là những củ khoai, củ sắn, trái bắp bình dân quen thuộc nhưng có lẽ giữa màn trời đêm lạnh Huế, đối diện cầu Tràng Tiền có một không gian, một “chấm ánh sáng” vừa đủ ấm cúng bên trong, vừa đủ tận hưởng tiết trời mùa đông đang hiện hữu, vừa đủ trung tâm để ngắm nhìn nhịp Huế về đêm đã làm cho “phố bắp nướng” ở đây thêm phần dấu ấn.

Những tối cuối tuần, nhóm bạn trẻ của cô thường đến Bảo tàng Văn hóa Huế (Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế bây giờ) để nghe ca Huế. Trong những đêm ngoài trời lất phất mưa bay, nhà thơ Võ Quê – Chủ nhiệm CLB Ca Huế lại chào đón nhóm cô với nụ cười hồn hậu và làm “em - xi” giới thiệu những tiết mục biểu diễn. Khi các nghệ nhân ca những điệu hò mênh mông, những câu hát Nam ai, Nam bình sâu lắng cùng với tiếng đàn tranh, tì, nhị, nguyệt..., cô càng thấy nỗi niềm yêu Huế trào dâng khôn xiết và nháy mắt đầy tự hào với những đứa bạn sinh viên đến từ các vùng miền khác. Đâu đây vẫn văng vẳng bên tai giai điệu hò Mái nhì - Nam bình “Tiếng đàn mưa” (lời của nhà thơ Võ Quê): “Mùa đông sang mưa xang gió lạnh/Thương mẹ hiền trong cảnh đa đoan/Dù cho mưa gió phũ phàng/Tình thương của mẹ thành tiếng đàn mưa vui…”.

Trong màn mưa nhạt nhòa, thâm trầm xứ Huế, cô luôn có một niềm thương đặc biệt với những người già nhọc nhằn mưu sinh giữa dòng đời, ở lứa tuổi đáng ra phải an dưỡng, sum vầy bên con cháu. Đã bao lần cô bắt gặp hình ảnh những cụ già khắc khổ ngồi co ro trong chiếc áo mưa tiện lợi ở chân cầu An Cựu, Kho Rèn hay Phú Cam... Các cụ thường ngồi đó bán một ít rau quê, hoa quả. Những dáng người gầy gò, nhỏ bé như chìm đi giữa dòng xe cộ tấp nập. Đôi lúc gió lạnh tạt qua, người cụ thấm thêm cái vị lạnh của cơn mưa nặng hạt hắt thẳng vào mặt và run lên lẩy bẩy. Dẫu nhiều khi nói năng không thành lời nhưng nếu có ai hỏi mua hàng, các cụ vẫn nở nụ cười trên đôi môi khô ráp. Dõi theo họ, cô nhìn thấy những chân dung người Huế chân quê “dầm mưa dãi nắng”, chịu thương chịu khó một đời. Đó là sự lo toan, lam lũ, gắng gượng của những người mẹ cố ngồi ráng bán thêm vài mớ rau, dăm ba con cá, mấy cân thịt… để lo cho con; là người cha gầy còm ngày đêm gò mình trên chiếc xích lô, cần mẫn chạy thêm vài cuốc xe ôm đêm khuya đìu hiu mưa gió… vì đằng sau đó là cả một gia đình trên vai…

Bao cơn mưa Huế cứ đến rồi đi. Bao người đến Huế, rồi xa Huế. Khi băng qua màn mưa ở những vùng đất lạ, ta sẽ nhận ra những màn mưa đất Cố đô thật riêng, thật đời...

CẨM CÁT