Tại các vùng quê, nhiều hộ gia đình sử dụng dây điện rất sơ sài, câu móc lung tung, rườm rà… nguy cơ rò rỉ điện là rất lớn 

Thực tế hiện nay cho thấy, tại các vùng quê, kể cả các xã, phường trước đây thuộc huyện nay đã nhập vào TP. Huế nhiều hộ gia đình sử dụng dây điện rất sơ sài, câu móc lung tung, rườm rà… nguy cơ rò rỉ điện là rất lớn.

Có nhiều nhà dân kéo dây điện chằng chịt, nhưng hệ thống dây điện nhỏ, không đảm bảo. Không ít hộ gia đình kéo điện từ đồng hồ điện vào nhà sinh hoạt xuyên qua mái nhà, mái tôn, trần nhà, hàng cây… rất nguy hiểm. Mưa gió lâu ngày, hệ thống dây điện bị hư hỏng, rò rỉ, nhưng nhiều người dân không biết  nên dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.

Còn nhớ, vụ tai nạn thương tâm dẫn đến một người tử vong liên quan đến chuyện rò rỉ điện xảy ra trên địa bàn huyện Phong Điền.

Người bị điện giật tử vong là anh Ph.C.T. (SN 1988), trú thôn Lai Trung, xã Quảng Vinh (Quảng Điền). Anh T. là nhân viên của một nhà mạng viễn thông. Anh T. đến nhà ông Trần L., ở thôn Thanh Tân, xã Phong Sơn (Phong Điền) để sửa chữa đường dây mạng internet của gia đình ông này bị hư hỏng.

Sau khi trèo lên mái tôn của nhà ông L. để khắc phục đường dây internet, anh T. bị điện giật tử vong ngay trên mái nhà. Cơ quan công an và lực lượng chức năng xác định, anh T. bị điện giật tử vong do hệ thống dây điện của gia đình ông L. bị rò rỉ.

Vẫn biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc điện bị rò rỉ gây ra tai nạn thương tâm, nhưng vụ việc là bài học để không ít hộ dân sử dụng điện đặc biệt lưu ý, không được chủ quan.

Mùa mưa bão, sự cố về điện thường xảy ra. Một trong những nguyên nhân chính là, sét đánh vào đường dây dẫn điện; giông, lốc gây ngã đỗ cây, các vật liệu dẫn điện bay vào đường dây dẫn điện. Mưa lớn, nước dâng cao gây ngập làm rò điện từ các thiết bị điện ra môi trường xung quanh...

Từ thực tế các vụ việc liên quan đến rò rỉ điện, lực lượng công an và ngành điện khuyến cáo, để phòng ngừa tai nạn điện có thể xảy ra trong mùa mưa bão và sử dụng điện an toàn, người dân cần lưu ý: Khi thấy dây dẫn điện chạm vào tường, chạm vào cây xanh, chạm vào các vật liệu khác mà không có sứ cách điện thì không được đụng đến và phải thông báo ngay với đơn vị điện lực đang quản lý vận hành lưới điện trong khu vực để kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa xảy ra chạm chập, rò điện, phóng điện rất nguy hiểm.

Người dân khi thấy dây điện đứt rơi xuống, cây đổ hoặc cành cây gãy đè vào đường dây, trạm điện, nước ngập sát tủ điện trạm biến áp… hãy tránh xa; đồng thời, báo ngay với điện lực địa phương để kịp thời có biện pháp xử lý khắc phục.

Bên cạnh trách nhiệm của ngành chức năng, người dân không nên sử dụng dây điện, thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà có chất lượng kém dễ gây chạm chập, phát hỏa.

Công an khuyến cáo, người dân phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc về an toàn sử dụng điện, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng điện. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, dây dẫn điện, nếu phát hiện hư hỏng phải sửa chữa thay thế ngay, không để nguồn điện rò rỉ gây nguy hiểm.

Bài, ảnh: TÂM ANH