Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu có 10.000 nhân lực CNTT |
Đi tìm 10.000 nhân lực CNTT
Tại buổi khai mạc cuộc thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam lần thứ 32 - Procon Việt Nam và kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC khu vực châu Á - Hue City năm 2023 diễn ra ở Trường đại học Khoa học, Đại học Huế từ ngày 6 - 8/12/2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, CNTT là yếu tố quyết định cho sự phát triển của mỗi địa phương, hướng đến tính bền vững và lâu dài. Các thành tựu khoa học kỹ thuật được làm chủ và vận hành hiệu quả sẽ tiết kiệm được sức người, sức của.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phần nào áp dụng một cách thành công lĩnh vực CNTT, ứng dụng các công nghệ vào điều hành, phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện qua một số giải thưởng, như năm 2022, tỉnh được trao giải thưởng ASOCIO (tổ chức Công nghiệp điện toán khu vực châu Á – châu Đại Dương) ở hạng mục Chính phủ số. Thừa Thiên Huế đứng thứ 2 trong năm 2020, 2021 và thứ 4 toàn quốc năm 2022 về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh. Nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh (Hue-S) đạt “Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022” ở “top” 10 hạng mục sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số.
Sự phát triển của CNTT đã trở thành một trong những động lực tất yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là gắn với Nghị quyết 54 và mục tiêu xây dựng khu trung tâm CNTT tỉnh, nơi ươm tạo, phát triển doanh nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực CNTT. Hiện tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch về phát triển CNTT, nguồn nhân lực CNTT với mục tiêu chung là đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp CNTT và hình thành 10.000 nhân lực trong lĩnh vực CNTT vào năm 2025.
Mục tiêu có 10.000 nhân lực CNTT được đặt ra từ năm 2020. Qua hơn 3 năm, nhìn vào thực tế các hoạt động kinh doanh và đào tạo CNTT, tốc độ còn khá chậm. Theo tính toán của các chuyên gia, để có nguồn nhân lực 10.000 người trong lĩnh vực CNTT, xét về đào tạo, đầu vào phải đạt quy mô 2.000 - 3.000 sinh viên/năm; trong đó, sinh viên chuyên ngành CNTT cần khoảng 1.500 sinh viên/năm, chiếm khoảng 15% số sinh viên nhập học tại Huế hàng năm. Vào thời điểm 2020, đầu vào đào tạo trong Đại học Huế khoảng 350 sinh viên và cho đến thời điểm kết thúc tuyển sinh năm 2023, số lượng có tăng, nhưng không đáng kể.
Xét về phương diện số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh, thời gian qua cũng không có nhiều chuyển biến. Rõ ràng, đây là hai chỉ tiêu mà Thừa Thiên Huế đang gặp thách thức lớn để hình thành 10.000 nhân lực trong khoảng hơn một năm nữa.
Đào tạo công nghệ thông tin tại Trường đại học Khoa học, Đại học Huế |
Phát huy vai trò của cơ sở đào tạo
Mục tiêu có 10.000 nhân lực CNTT vào năm 2025, vì đây là thời điểm Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54. Khi đó, Thừa Thiên Huế rất cần một đội ngũ nhân lực CNTT chất lượng để làm chủ được cách mạng 4.0 đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, không chỉ trong công nghiệp mà trong văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho hay, tỉnh đang rất kỳ vọng vào các cơ sở đào tạo. Thừa Thiên Huế hiện có hệ thống giáo dục đầy đủ các cấp bậc đào tạo từ mầm non đến đại học và sau đại học. Trong hệ thống giáo dục đó, nhiều trường đại học đang đào tạo đội ngũ CNTT có bề dày truyền thống, chất lượng, nổi tiếng khắp cả nước, có thể cung ứng cho tỉnh nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.
PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học thông tin, hiện trường đào tạo hơn 4.500 sinh viên, thì sinh viên CNTT chiếm đến 2.000 sinh viên. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, từ năm 2021 - 2023, nhà trường đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng xây dựng các phòng học hiện đại, thông minh. Nhà trường cũng kết hợp với các doanh nghiệp đầu tư thêm các trang thiết bị, liên kết đào tạo. Đáp ứng được cơ sở vật chất nên Hội Tin học Việt Nam đã chọn trường làm nơi tổ chức cuộc thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam lần thứ 32 và kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC khu vực châu Á - Hue City năm 2023.
“Trong thời gian đến, chúng tôi tiếp tục đổi mới giáo trình, phương pháp đào tạo; gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo ra đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu của chính doanh nghiệp. Cùng với đó là nghiên cứu, mở một số chương trình đào tạo mới mà xã hội đang cần và dự báo sẽ cần trong thời gian đến. Hiện trường đang trong giai đoạn thẩm định để mở mới ngành Thiết kế vi mạch”, PGS.TS. Võ Thanh Tùng thông tin.
Nhiều giảng viên, sinh viên cho rằng, cơ hội việc làm cho sinh viên ở lĩnh vực CNTT trong tỉnh hiện đang rất khó khăn. Không có nhiều doanh nghiệp hoạt động về CNTT trên địa bàn nên không tạo được môi trường thực tập, thực tế năng động cho sinh viên. Trong khi đó, xu hướng ở nhiều địa phương, sinh viên năm ba, năm tư CNTT đã có thể kiếm được thu nhập từ ngành học của mình. Vì vậy, Thừa Thiên Huế cần thu hút thêm các các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNTT.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, lãnh đạo tỉnh xác định rằng, giải pháp căn cơ vẫn phải là đầu ra cho nguồn nhân lực CNTT. Nếu đào tạo ra nhân lực mà không có việc làm sẽ không phát huy được hiệu quả. Chính vì thế, thời gian qua, tỉnh đã tiếp tục xúc tiến, làm việc với rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNTT, kể cả những lĩnh vực mới về CNTT, hay trong các lĩnh vực khai thác sản phẩm du lịch, y tế…