Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Ảnh minh hoạ: TTXVN/Báo Thanh Niên |
Trong đó, biên bản ghi nhớ đầu tiên tập trung vào hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới giữa Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Campuchia và Bộ Khoa học và Công nghệ của Việt Nam.
Biên bản ghi nhớ thứ 2 liên quan đến hợp tác giữa Viện Ngoại giao và Quan hệ quốc tế Quốc gia Campuchia và Học viện Ngoại giao Việt Nam. Đồng thời, 2 bên cũng đã kí kết biên bản ghi nhớ thứ 3 giữa Phòng Thương mại Campuchia và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Được biết, Tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã chính thức thăm Việt Nam từ ngày 11 – 12/12 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chuyến thăm được thực hiện nhằm tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Vào ngày 11/12, sau lễ đón, Thủ tướng Hun Manet đã có cuộc gặp với lãnh đạo chính phủ Việt Nam. Các cuộc gặp được thực hiện nhằm đặt ra mục tiêu tăng cường và mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực để từ đó giành được nhiều kết quả tốt đẹp hơn vì lợi ích chung của cả hai quốc gia và nhân dân hai nước.
Trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet, hai nhà lãnh đạo đã tập trung vào một số lĩnh vực như chính trị, thương mại, đầu tư, du lịch, y tế, giáo dục, kết nối, quốc phòng, an ninh, công tác biên giới… Hai thủ tướng đã có cơ hội trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và toàn cầu, bày tỏ sự hài lòng về mức độ hỗ trợ của nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tiểu vùng Mekong.
Cũng trong khuôn khổ hội đàm giữa hai vị lãnh đạo, hai thủ tướng đã nhất trí tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực để đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn vì lợi ích chung của cả hai quốc gia và nhân dân hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực tiềm năng khác.
Đại diện cho Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Qua chuyến thăm này, quan hệ song phương Campuchia – Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trên tinh thần láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và ổn định lâu dài.”
Theo Tổng cục Hải quan, thương mại giữa Campuchia và Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ổn định, với xuất khẩu của Campuchia đạt gần 2,61 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11/2023, tăng 37,8% so với 1,89 tỷ USD của cùng kỳ năm 2022.
Mặt hàng xuất khẩu chính của Campuchia sang Việt Nam là nông sản thô bao gồm gạo, gạo xay, hạt điều và cao su. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thép, xăng dầu, dệt may và giày da.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia Lim Heng cho rằng sự tăng trưởng trong xuất khẩu là nhờ vào việc thực thi hiệp định thương mại ASEAN, các hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Theo Phó Chủ tịch tịch Lim Heng: “Sự gia tăng xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác là một dấu hiệu quan trọng đối với các sản phẩm của Campuchia, đặc biệt là nông sản”.
Được biết, trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, hai thủ tướng cũng đã đồng chủ trì Diễn đàn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Campuchia – Việt Nam.
Theo Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Hun Manet lần này sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ lâu dài dựa trên tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và ổn định” giữa Campuchia và Việt Nam vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.