Đổi mới chương trình, cập nhật ngành mới để đào tạo là xu hướng trong đào tạo lao động hiện nay |
Nhiều tiêu chí sụt giảm
Thời gian qua, tỉnh tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục, giáo dục phổ thông làm nền tảng nâng cao chỉ số đào tạo lao động của Thừa Thiên Huế. Đây là giải pháp nhằm duy trì và cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của địa phương từ kết quả PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh); trong đó, có chỉ số đào tạo lao động. Phấn đấu của tỉnh và toàn ngành lao động là nâng vị thứ xếp hạng chỉ số đào tạo lao động lên top 10/63 tỉnh, thành phố.
Kết quả đánh giá năm 2022 của VCCI (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) miền Trung - Tây Nguyên, chỉ số đào tạo lao động của Thừa Thiên Huế đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố và kết quả điểm số PCI của tỉnh xếp thứ 6/63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Cũng theo VCCI miền Trung - Tây Nguyên, đào tạo lao động là một trong 5 chỉ số thành phần của PCI của tỉnh giảm cả về điểm và vị thứ.
Các tiêu chí được doanh nghiệp (DN) đánh giá qua PCI để tỉnh quan tâm cải thiện là: "tỷ lệ chi phí đào tạo lao động trong tổng chi phí kinh doanh" đạt 7,4%, cao hơn trung vị toàn quốc và cao hơn nhiều so với con số 1,5% của tỉnh trong năm 2021. Bên cạnh đó, tỷ lệ "lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn/phần lớn nhu cầu sử dụng của DN" cũng đã giảm so với năm trước từ 55% xuống còn 41%. Ngoài ra, công tác tuyển dụng lao động tại DN vẫn chưa thuận lợi. Chỉ có 61% DN đánh giá việc tuyển dụng lao động phổ thông tại tỉnh là dễ dàng giảm 10% so với năm 2021. Tuyển dụng cán bộ kỹ thuật cũng là vấn đề khá khó khăn với DN, với tỷ lệ DN đánh giá việc tuyển dụng cán bộ kỹ thuật dễ dàng là 31%, giảm 10% so với năm 2021.
Các điểm tích cực trong chỉ số thành phần "đào tạo lao động" của tỉnh theo DN là chất lượng đào tạo phổ thông, đào tạo nghề và tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở mức cao so với toàn quốc. Tỷ lệ lao động trên 15 tuổi đã qua đào tạo gia tăng đáng kể so với năm 2021. Tỷ lệ DN đánh giá việc tuyển dụng cán bộ quản lý, giám sát tại tỉnh là dễ dàng có sự cải thiện đáng kể từ 17% năm 2021 lên 36% trong PCI năm 2022.
Doanh nghiệp tuyển chọn đầu vào ngày một nghiêm khắc, đòi hỏi công tác đào tạo lao động cũng phải đổi mới |
Đón đầu xu hướng nhu cầu lao động
Trước sự giảm điểm một số tiêu chí theo DN đánh giá trong chỉ số thành phần "đào tạo lao động" cùng với xu hướng dịch chuyển nghề, nhu cầu lao động càng đòi hỏi GDNN của tỉnh phải có sự đổi mới toàn diện về quy mô, cơ cấu, chương trình, ngành nghề đào tạo...
Các chuyên gia đánh giá, kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022, nên triển vọng thị trường lao động toàn cầu còn nhiều bấp bênh. Trên cả nước, số người có việc làm quý III năm 2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 60% tổng số lao động có việc làm của cả nước. Tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp trong độ tuổi lao động không thay đổi so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ, giãn việc, thôi việc, mất việc ở các DN diễn ra từ cuối năm 2022 đã giảm nhiệt trong những tháng cuối năm 2023.
Dự báo, hầu hết các thị trường lao động khắp thế giới sẽ chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong năm 2023 - 2024. Trong 5 năm tới, 83 triệu việc làm có thể mất đi do nhu cầu lao động trong một số lĩnh vực thay đổi, đồng thời 69 triệu việc làm mới được tạo ra. Nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này khá đa dạng. Đáng chú ý nhất có lẽ phải kể đến xu hướng dịch chuyển kinh doanh theo hướng xanh hơn, bền vững hơn được dự báo sẽ khiến các DN cần tuyển dụng nhiều vị trí mới. Xu hướng các chuỗi cung ứng được sắp xếp, phân bổ lại cũng góp phần tạo thêm việc làm trong những năm tới đây.
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo - Al cũng sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường lao động những năm tới. Điển hình nhất phải kể đến xu hướng tự động hóa sẽ ảnh hưởng đến các công việc tay chân. Những công việc được dự báo sẽ tuyển dụng nhiều trong tương lai bao gồm chuyên viên về AI và máy học, chuyên viên về bền vững, chuyên viên về phân tích dữ liệu kinh doanh, chuyên viên về bảo mật thông tin, kỹ sư công nghệ tài chính... Những công việc được dự báo sẽ dễ bị thay thế nhất bao gồm nhân viên an ninh bảo vệ, nhân viên thu ngân và bán vé, nhân viên dịch vụ bưu chính, giao dịch viên ngân hàng, thư ký...
Để đón đầu và đáp ứng được xu thế chuyển dịch lao động cũng như nhu cầu DN, VCCI đã gợi mở một số giải pháp cho ngành lao động, thương binh và xã hội của tỉnh trong việc phát triển nguồn lực lao động hiệu quả, chất lượng. Trong đó cần gắn chiến lược phát triển nhân lực với phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; cải thiện thông tin về thị trường nguồn lao động, dự báo nhu cầu lao động; đẩy mạnh đào tạo nhân lực trẻ có kỹ năng nghề cao mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo lao động; cơ cấu, phân bố lại nhân lực từng vùng, từng khu vực và cuối cùng là khuyến khích nguồn lao động tự học.