Đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến triển khai kiến trúc chính quyền số tại hội nghị |
Hội nghị nhằm giúp các đơn vị, địa phương nắm được Khung kiến trúc CĐS, các nền tảng số của tỉnh và định hướng các nội dung triển khai trong năm 2024; chuyển giao các nền tảng Chính quyền số bao gồm: Nền tảng làm việc số, họp không giấy tờ, tiện ích tự động tổng hợp báo cáo quản lý Nhà nước, nền tảng báo cáo số và nền tảng bản đồ số.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn, những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đẩy mạnh công tác CĐS, với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, đề án, cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương đã đóng góp rất lớn trong kết quả CĐS của tỉnh.
Đến nay, BCĐ CĐS tỉnh đã hệ thống hoá lại toàn bộ, đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân khó khăn, đặc biệt xây dựng kiến trúc chính quyền số và đô thị thông minh để từ đó định hướng cho các sở, ngành, các cấp, địa phương chủ động trong công tác CĐS. Qua đó, thúc đẩy nhanh hơn quá trình CĐS để sớm đạt mục tiêu đến 2025 tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu CĐS đề ra.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị các địa phương, đơn vị trong triển khai kiến trúc chính quyền số cần xuyên suốt hệ thống, vận dụng phù hợp với nền tảng đã xây dựng, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, xây dựng khung chuẩn để triển khai thực hiện. Công tác CĐS với cơ sở pháp lý vận hành, cần có quy chuẩn trong triển khai để qua đó xây dựng cơ chế cho các ngành, địa phương áp dụng. Xây dựng khung thông tin dữ liệu của các ngành, kết nối vào hệ thống chung của tỉnh. Đồng thời, yêu cầu tất cả dữ liệu phải thông qua một Cổng để quản lý, các phần mềm chỉ đạo phải rà soát, đảm bảo an toàn thông tin.