Tạo được ấn tượng và sự hài lòng với du khách thì khách sẽ trở lại |
Cũ rồi quan niệm “ngon - bổ - rẻ”
Trò chuyện với nhiều doanh nghiệp du lịch, không ít người nhắc đến câu chuyện du khách mong muốn đi du lịch kiểu “ngon - bổ - rẻ”. Đó là cách nói hình tượng về mong muốn các sản phẩm du lịch trải nghiệm phải vừa rẻ, vừa đặc sắc, hấp dẫn, mang lại giá trị.
Chính sách về giá là câu chuyện vẫn còn “nóng” khi nhắc đến nhiều điểm du lịch. Tại hội nghị “Kết nối Du lịch Huế 2023”, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, chính sách giá vé, giá lưu trú, một số dịch vụ của Huế rất khó để đưa khách đến hoặc giữ họ ở lại lâu. Theo đại diện một đơn vị lữ hành thì giá vé tại các điểm di tích ở Huế cao và tăng thường xuyên. Điều này đã tạo ra “lực cản” khi khách ít chi tiền để tham quan các điểm di tích mà chỉ đi ở ngoài. Anh Nguyễn Văn Dũng, một du khách từ Thái Nguyên cũng chia sẻ: “Hiện nay, tình hình kinh tế khó khăn. Nhu cầu đi du lịch của mọi người vẫn còn nhưng phải tiết kiệm chi phí. Nếu có những tour du lịch dạng ngon, bổ, rẻ thì mọi người sẽ lựa chọn nhiều hơn”.
Trên thực tế, yêu cầu trên thực sự rất khó, đã hấp dẫn, giá trị cao thì phải có mức giá tương xứng. Cũng vì thế mà ngon - bổ thì khó rẻ, hoặc nếu rẻ thì chất lượng sản phẩm khó đáp ứng ở mức cao. Song, những người làm du lịch hoàn toàn nghiên cứu, xây dựng được các sản phẩm chất lượng với mức giá phù hợp, theo từng phân khúc khách hàng.
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Dịch vụ du lịch HueTourist chia sẻ, quan niệm ngon - bổ - rẻ trong du lịch dường như đã cũ, thay vào đó là quan niệm “ngon - bổ - tinh tế” là điều mà cả người làm du lịch và khách có thể hướng đến. Điểm quan trọng là làm sao tạo ra sự tinh tế để tạo những “điểm chạm” trong lòng du khách.
Khi vấn đề chính sách giá được nhiều doanh nghiệp lữ hành nhắc đến, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ khi tiếp xúc với nhiều đối tượng du khách. Hai luồng ý kiến song song là giá vé nhiều điểm du lịch, di tích đắt và luồng ý kiến thứ hai là nếu trải nghiệm đầy đủ, cảm nhận hết thì thấy giá vé vẫn rẻ.
Chị Mai Thanh Nhàn, một du khách ở Bình Dương cho rằng: “Đắt, rẻ nằm ở chỗ tinh tế của người làm du lịch. Đến một điểm du lịch, khách được đón tiếp bằng sự niềm nở, bằng sự quan tâm bởi những chi tiết dù rất nhỏ, được hướng dẫn tận tình thì sẽ cảm thấy hài lòng. Còn, để họ “tự bơi” tại điểm du lịch, không hiểu gì về điểm du lịch thì họ sẽ thấy không xứng đồng tiền bỏ ra”.
Ngược về quá khứ cách đây ít lâu, trên một diễn đàn của mạng xã hội facebook chuyên chia sẻ kinh nghiệm đi du lịch, một du khách ở TP. Đà Nẵng kể về chuyến nghỉ dưỡng tại một resort ở huyện Phú Lộc. Nữ du khách có con nhỏ, sau khi cả nhà đạp xe hóng mát ban đêm về phòng ngủ thì thấy trên giường có một tờ giấy được cuộn tròn và cột bằng một sợi dây mây trông rất huyền bí. Khi mở ra là câu chuyện cổ tích “Cô bé lọ lem”, cùng lời nhắn chúc gia đình ngủ ngon, chúc “cô công chúa nhỏ” mơ thấy những giấc mơ đẹp. Chi tiết nhỏ đã khiến cả gia đình cảm thấy hài lòng. Và, nữ du khách đã chấm điểm 10 cho resort bởi sự chuyên nghiệp và tinh tế.
Mong muốn lớn nhất của du khách là được trải nghiệm và nhận được nhiều niềm vui |
Thay đổi để chiều lòng khách
Tinh tế và chỉn chu là tố chất rất quan trọng của người làm trong lĩnh vực du lịch. Sự tinh tế, chỉn chu thể hiện qua sự chuẩn bị, kỹ năng giao tiếp, ứng xử nhanh nhẹn và thông minh, biết nắm bắt tâm lý và cảm xúc của người khác, linh hoạt trong mọi tình huống, biết để ý những tiểu tiết ở khách hàng… Những điều đó sẽ giúp người làm du lịch thuyết phục được các “thượng đế” dù khó tính nhất. Đáng chú ý là sự tinh tế không chỉ cần ở những người quản lý các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú mà từ tất cả cộng đồng những người tham gia làm du lịch, trong đó có các bác xích lô, anh tài xế taxi…
Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng môi trường du lịch Huế “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”. Muốn đạt được hiệu quả cao, rất cần sự hợp lực từ nhiều phía, đặc biệt đến từ các doanh nghiệp làm du lịch, các hộ kinh doanh, cá nhân làm du lịch. Bên cạnh việc liên tục cập nhật các xu hướng, mong muốn của du khách để nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp thì cũng phải thay đổi cách phục vụ, chú ý hơn ở những điểm có thể gây ấn tượng mạnh trong lòng du khách.
Đại diện Hội Lữ hành tỉnh cho biết, doanh nghiệp nào cũng phải xây dựng cho mình những quy chuẩn trong phục vụ khách. Mỗi đơn vị phải luôn khắt khe với chất lượng dịch vụ mà đơn vị cung cấp và phải tạo ra các cuộc “đối thoại” với khách hàng, để có thể nhìn thấy điểm mạnh và điểm yếu. Thông tin phản hồi của du khách cần được sử dụng một cách phù hợp, giúp doanh nghiệp khắc phục được những điểm yếu, làm tăng độ hài lòng khách hàng.
Ấn tượng mạnh nhất của du khách thường là ngay khi vừa bước đến điểm du lịch. Những đội ngũ làm du lịch từ cổng điểm du lịch như bảo vệ, bộ phận soát vé, bộ phận hướng dẫn, phục vụ… đều cần được đào tạo chuyên nghiệp và niềm nở, tạo được cảm xúc tích cực cho du khách. Đây là vấn đề mà ngành du lịch đã và đang quan tâm, nhưng cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng chuyên nghiệp hơn.