Xe quà vặt bán trước cổng trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: MC 

Chiều đón con ở trường, tìm mãi vẫn không thấy cu cậu đâu. Hóa ra, con cùng nhóm bạn đang đứng vây quanh ở quầy thức ăn di động. Trên chiếc xe máy đã cũ có đủ các loại thịt, cá viên đủ sắc màu và hình thù khác nhau, từ thịt nướng, xúc xích chiên, bò viên, cá, tôm viên... được chiên qua lớp dầu đã ngả đen do dùng nhiều lần rồi đặt vào chiếc hộp xốp. Bọn trẻ chẳng thể cưỡng lại được những chiếc xiên nóng giòn, thơm ngậy nên chuyền tay nhau ăn một cách ngon lành. Ở phía xa cổng trường một tý, người bán hàng không bày biện ra nhưng lại níu kéo khi có học sinh đến gần. Họ bắt đầu chào mời đủ các loại kẹo xanh đỏ, đồ uống đóng chai, thạch dừa… Con chìa ra một gói nhỏ, khoe, ngon lắm mẹ, đủ vị vừa dai, ngọt, cay, mặn… Tôi hỏi con, lấy đâu ra tiền để mua thức ăn, cậu bé tỉnh bơ khi cho biết, mỗi  bạn góp lại từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng, con không có tiền nhưng được bạn “mời”.

Hiểm họa rình chờ học sinh ngoài cổng trường ngày càng xuất hiện nhiều, dù lén lút hay công khai ngay trước mắt người lớn. Chúng tôi cảm thấy lo, nhiều loại đồ ăn vặt, nước ngọt không kiểm soát được các hóa chất, chất phụ gia độc hại và không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nguy cơ ngộ độc rất cao. Chưa kể, số liệu từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế công bố khiến mọi người giật mình, có đến 70-80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli, gây tiêu chảy, bệnh đường ruột... Nhưng việc quản lý đối với các loại thực phẩm tại các cổng trường vẫn đang là bài toán khó giải khi câu chuyện này đang bị thả nổi.

Vấn nạn này đã được ngành giáo dục quyết liệt cấm mua bán hàng rong trước cổng trường. Tuy nhiên, người bán hàng lại chủ động dịch quầy hàng của mình ra xa cổng trường vài chục mét. Học sinh vẫn có thể mua trước và sau giờ học. Hiệu trưởng các trường cho biết, nhà trường cũng cử lực lượng tự vệ thường xuyên túc trực trước cổng trường đầu giờ và cuối giờ để tăng cường nhắc nhở học sinh không mua hàng rong. Một số trường phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra khu vực trước và xung quanh cổng trường đầu giờ và giờ tan học. Nhưng, khi lực lượng kiểm tra đi thì xe hàng rong lại tiếp tục đến. Hơn nữa, nhu cầu, thói quen của nhiều phụ huynh và học sinh khiến hàng rong vẫn có “đất” để tồn tại.

Ngăn ngừa tình trạng này chỉ còn cách phụ huynh nên cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ để con sử dụng trong giờ nghỉ. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường cùng với các cơ quan quản lý làm việc với những hàng quán bán trước cổng trường, yêu cầu đăng ký buôn bán với những cam kết cụ thể, nắm bắt các thông tin người bán, có những cuộc kiểm tra đột xuất. Ngoài ra, chính quyền cũng cần phối hợp với nhà trường động viên, giáo dục học sinh biết cách chọn thức ăn hợp vệ sinh.

Thiết nghĩ, để cổng trường là nơi an toàn với các em, cần xử lý có hệ thống, thường xuyên và quyết liệt những hiểm họa tồn tại dai dẳng, đừng để “mất bò, mới lo làm chuồng”.

THU HUẾ