Lê Thị Thanh Nhàn kể về những câu chuyện đẹp trong cuộc sống tại cửa hàng Lavin Home của mình |
Hành động đặc biệt của những con người “đặc biệt”
Khó có thể kể hết những việc làm ý nghĩa, trân quý của họ, song trong từng câu chuyện, chúng tôi càng khâm phục nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng vị tha, chan chứa tình yêu thương bao la đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Từ tấm lòng, Lê Thị Thanh Nhàn (29 tuổi) lập nên cửa hàng hoa giấy mang tên Lavin Home (tại 35/69 Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân, TP. Huế), với mục đích góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp các bạn trẻ khuyết tật có công ăn, việc làm và cùng nhau san sẻ yêu thương, gắn kết cộng đồng.
Lê Thị Thanh Nhàn tâm sự: “Tình cờ qua mạng xã hội, em quen và biết đến hoàn cảnh, niềm đam mê, ý chí nghị lực của một cô bạn bị bệnh xương thủy tinh. Chính người bạn này đã truyền cho em rất nhiều động lực với sự khâm phục ý chí vươn lên của bạn ấy. Hiểu được lòng đam mê, ý chí và nghị lực của bạn, em đã hướng dẫn cho bạn này cách làm hoa giấy để bán.
Từ đó, em đã tiến tới ý tưởng mở cửa hàng Lavin Home dạy miễn phí cho các bạn trẻ bị câm điếc và xương thủy tinh làm hoa giấy. Đằng sau mỗi bông hoa là mỗi câu chuyện đơn giản và thật thú vị giữa cuộc sống đời thường”.
Đến khu tái định cư phường Kim Long (TP. Huế) hỏi cô Bạch Thị Ngọc Hạnh ai cũng biết. Cô Hạnh là người đã có công mang con chữ, đem ánh sáng văn hóa đến cho hàng trăm trẻ em, người dân vạn đò thoát khỏi cảnh mù chữ, thoát cảnh cơ cực, đói nghèo.
Cô Bạch Thị Ngọc Hạnh bộc bạch: “Sinh ra trong một gia đình nghèo khó trên sông nước, cuộc sống nay đây, mai đó không ổn định. Sau khi được định cư ổn định trên bờ, cô mới may mắn được đi học đến lớp 9. Học rồi mới biết giá trị của con chữ, của người biết đọc, biết viết, biết làm phép tính. Chính con chữ đã quyết định sự đổi thay đáng kể trong cách nghĩ, cách sống của mỗi con người, nhất là lũ trẻ con, con dân vạn đò trên sông Hương. Hàng ngày nhận thấy lũ trẻ vùng sông nước, không biết chữ, tương lai mờ mịt mà thương. Một lớp học tình thương xóa mù dân vạn đò bắt đầu hình thành và bén duyên từ những suy nghĩ, trăn trở đó của cô”.
Ngoài giờ đứng lớp, cô cùng các thanh niên tình nguyện đi gom sách giáo khoa cũ, vở đã sử dụng của những học sinh học các trường công lập đem về cắt những tờ giấy còn nguyên đóng thành tập cho các em lấy làm tập vở để học. Từ ngày “khai thiên, lập địa” tới nay, có khoảng 300 con em dân vạn đò đã được cô Bạch Thị Ngọc Hạnh xóa mù chữ. Không chỉ xóa được mù chữ, các em giờ cũng đã trưởng thành và thành đạt. Với nghĩa cử cao đẹp đó, năm 2015, cô Bạch Thị Ngọc Hạnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba…
Bình dị và cao quý
Mới đây, trong buổi gặp mặt, tri ân đội ngũ quản lý, làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, các tổ chức, cá nhân hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 do Thường trực Tỉnh ủy tổ chức, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, thật sự xúc động và trân trọng biết ơn các thầy, cô, các anh chị - những con người rất bình dị, nhưng có những nghĩa cử thật cao đẹp.
Có những người tuy chưa bao giờ đứng trên bục giảng, nhưng họ lại là người truyền cảm hứng để khơi dậy tinh thần học tập trong những mảnh đời cơ cực với tấm lòng biết ơn sâu sắc. Trong số các trung tâm có mặt ở đây, có những trung tâm nuôi dạy trên 50 cháu như: Trung tâm Bảo trợ trẻ em Long Thọ, Làng Trẻ em SOS, Trung tâm Nuôi dạy trẻ Cô nhi khuyết tật Sơn Ca. Các anh, chị vừa là người thầy, người cô nhưng cũng là người cha, người mẹ dạy các con “làm người”.
Với truyền thống nhân ái, các anh, chị sẽ tiếp tục lan tỏa tình yêu thương đến những mảnh đời còn nhiều thiệt thòi trong cộng đồng. Cũng như mong muốn, các anh, chị, quý thầy, cô tiếp tục cố gắng, phát huy “tinh thần tương thân, tương ái”, cống hiến; xứng đáng và là tấm gương sáng để mọi người noi theo cùng hành động, kết nối để giúp đỡ nhiều mảnh đời còn khó khăn trong xã hội; tiếp tục lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp của mình đến mọi người trong xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để các trung tâm, cơ sở bảo trợ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công việc thiện nguyện của mình; có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục; góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.