Th.S Nguyễn Văn Mãi |
Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, Th.S Nguyễn Văn Mãi, Hiệu trưởng Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế cho rằng đó là tín hiệu vui giữa bối cảnh tuyển sinh vô cùng khó khăn và là nỗi lo của các đơn vị đào tạo trung cấp nghề nói chung và đào tạo về văn hóa nghệ thuật nói riêng. Ông nói: “Trong 5 năm trở lại đây, con số tuyển sinh chưa bao giờ vượt con số 100. So với năm 2022, số thí sinh tuyển được năm nay tăng 205%. Đây là con số ấn tượng, là thành quả của sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường”.
Để có được con số tuyển sinh như thế, có lẽ là chuyện không hề đơn giản?
Ngay từ đầu năm 2023, nhà trường đã đề ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh. Trước hết, xác định công tác tuyển sinh là nhiệm vụ quan trọng nhất, là sự sống còn của nhà trường. Đồng thời, cũng quán triệt đến mỗi cán bộ giáo viên về mối quan hệ giữa công tác tuyển sinh với công tác đào tạo và tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho địa phương. Nghĩa là, phải tuyển sinh tốt mới có hoạt động đào tạo tốt và kết quả là cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực tốt.
Tiết mục múa "Lục cúng hoa đăng" được trình diễn bởi học sinh, sinh viên năm 1 vừa nhập học vào Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế |
Ngoài ra còn có phương án tuyển sinh đối với từng chuyên ngành đạo tạo phù hợp với tình hình thực tiễn. Lên kế hoạch tuyển sinh nhiều đợt, tổ chức các hoạt động trải nghiệm đến cho các em ở nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh thành khác để giúp các em có sự định hướng ngành nghề theo năng khiếu, sở thích. Cùng với đó, chúng tôi tăng cường công tác liên kết với các đoàn nghệ thuật, công ty, cơ quan ban ngành trong và ngoài tỉnh để kết nối việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường.
Thưa ông, cần thêm những cơ chế đặc thù nào dành cho người học, lẫn người dạy ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật?
Những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi đặc thù dành cho giáo viên và học sinh của các chuyên ngành nghệ thuật. Tuy nhiên, số người theo học nghệ thuật, nhất là các ngành nghệ thuật truyền thống ngày càng ít, thậm chí là không có người học. Chính vì vậy, cần có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo dành cho nghệ thuật truyền thống một cơ chế đặc thù trong đào tạo.
Năm 2022, nhà trường đã “Xây dựng cơ chế đặc thù trong đào tạo các ngành nghề nghệ thuật truyền thống tại Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế” trình UBND tỉnh và các sở ban ngành liên quan. Các ngành nghệ thuật truyền thống Huế như: Ca - Kịch Huế; Tuồng và Múa hát Cung đình Huế; Nhạc công truyền thống Huế là những ngành đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công cung cấp nguồn nhân lực chủ đạo cho các Nhà hát nghệ thuật của tỉnh. Đó còn là lực lượng trực tiếp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, của Huế. Nếu không có người theo học thì đội ngũ kế cận ngày càng ít đi, di sản của cha ông để lại sẽ dần bị mai một.
Việc xây dựng cơ chế đặc thù đối với đào tạo các ngành này là vô cùng cần thiết. Cơ chế đặc thù không chỉ là miễn giảm học phí, bồi dưỡng học nghề, mà cần có cơ chế từ khâu tuyển sinh, đào tạo, trợ cấp sinh hoạt phí cho người học, nhất là thực hiện tốt việc bố trí việc làm sau tốt nghiệp…
Những năm qua, trường đã đạo tạo ra một lớp tài năng kế cận trong việc phát huy bảo tồn những giá trị văn hóa nghệ thuật của Huế. Việc này quan trọng như thế nào trong xác định đào tạo nguồn nhân lực đặc thù của nhà trường?
Hơn 45 năm qua, Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo và liên kết đào tạo mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thông tin cho tỉnh và các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đã kịp thời bổ sung nhân lực cho các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh và ở các tỉnh trong khu vực. Hầu hết học sinh, sinh viên của trường đã gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp và được các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao về phẩm chất, năng lực nghề.
Gần 100% NSND, NSƯT, lực lượng diễn viên, nhạc công hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật và các đơn vị nghệ thuật của tỉnh là được học tập tại Trường TCVHNT Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức văn hóa xã hội của các phường xã, giáo viên âm nhạc mỹ thuật hầu hết cũng được học tập, bồi dưỡng tại nhà trường. Đây là đội ngũ rất quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn.
Nhà trường xác định rất rõ sứ mệnh và mục tiêu hàng đầu của mình trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực đặc thù làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật của quê hương Thừa Thiên Huế, góp phần sớm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ chính trị.
Đầu vào đã khó, vậy đầu ra những ngành học đặc thù văn hóa nghệ thuật, chắc cũng khó khăn không kém. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Những năm trước đây, giai đoạn 2001 - 2009, nhà trường đã đào tạo và liên kết đào tạo được một số lớp nghệ thuật truyền thống như: Tuồng và Múa hát Cung đình Huế, Ca kịch Huế, Nhạc công truyền thống Huế bằng nguồn kinh phí tài trợ của Quỹ Ford Foundation với 2 dự án đào tạo hệ trung cấp 4 năm và học tiếp lên hệ cao đẳng 3 năm.
Lớp học này được nhà trường, UBND tỉnh cam kết với Quỹ Ford Foundation đảm bảo có việc làm sau đào tạo. Hiện tại số học sinh, sinh viên tốt nghiệp các lớp này chính là lực lượng diễn viên, lãnh đạo nòng cốt của Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế và Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, một số ở lại trường làm giáo viên giảng dạy.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc đào tạo các ngành nghệ thuật truyền thống của nhà trường ngày càng bị thu hẹp, số lượng tuyển sinh đầu vào ngày càng ít mà số học sinh theo học cho đến tốt nghiệp ra trường lại càng ít hơn. Ngành Tuồng và Múa hát cung đình Huế không tuyển được thí sinh, ngành Nhạc công truyền thống Huế và ngành Ca kịch Huế còn tuyển được một số thí sinh vì sau khi ra trường họ vẫn có thể kiếm sống bằng việc phục vụ dịch vụ Ca Huế trên sông Hương, nhưng việc làm đó cũng rất bấp bênh và không lâu dài.
Việc học sinh tốt nghiệp các ngành này ra trường khó có thể kiếm được việc làm tại các đoàn, các nhà hát nghệ thuật truyền thống vì không có chỉ tiêu biên chế… Do đó, hầu như rất ít người thiết tha theo học các ngành nghệ thuật truyền thống. Và về lâu dài khi các lớp nghệ sĩ diễn viên lớn tuổi, nghỉ hưu sẽ không có đội ngũ kế cận để tiếp nối nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Trong khi đó, bảo tồn văn hóa truyền thống là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta luôn luôn hết sức quan tâm.
Việc kết hợp với các đơn vị nghệ thuật, doanh nghiệp để lo đầu ra cho học sinh, sinh viên cũng như liên kết đào tạo lên cao, được nhà trường quan tâm ra sao?
Công tác liên kết đào tạo được nhà trường triển khai từ những ngày đầu thành lập trường 1977. Những năm qua, nhà trường đã liên kết đào tạo với các trường cao đẳng, đại học ở Trung ương, như Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội, Cao đẳng Múa Việt Nam, Cao đẳng Du lịch TP. Hồ Chí Minh… mở các lớp với nhiều bậc học từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, đại học các chuyên ngành về văn hóa nghệ thuật. Qua đó đã tạo điều kiện cho nhiều thế hệ học sinh của trường được tiếp tục học bổ sung, nâng cao, chuẩn hóa trình độ chuyên môn.
Những năm gần đây, khi hoạt động du lịch ngày càng phát triển, nhà trường đã chủ động kết hợp với các đơn vị nghệ thuật, doanh nghiệp du lịch để lo đầu ra cho học sinh. Đặc biệt là học sinh ngành Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc của trường luôn được các đơn vị tiếp nhận vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp với mức lương từ 7 - 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhiều nhạc công truyền thống cũng bổ sung vào đội ngũ biểu diễn phục vụ du lịch, tham gia giảng dạy âm nhạc tại các trường, trung tâm âm nhạc trên toàn tỉnh.
Xin cảm ơn ông!