Thiệt tình, những cơn mưa dầm rả rích mùa đông xứ Huế kéo dài như biền biệt. Sáng nay, ngồi vỉa hè ăn bánh canh bỗng nghe tiếng rao của một người bán rong qua đường: “Ai bánh dày không!”. Hình như chẳng ai mua cả. Tiếng rao cứ thế xa dần, xa dần trong màu trắng đục của mưa đông xứ Huế...

Tôi lại nhớ căn nhà xưa thơ ấu. Cũng những cơn mưa rỉ rắc dài cuối thu đầu đông. Ngoài vườn, mấy vồng rau cải, tần ô không thể xanh lên được. Riêng vồng ném thì mưa nhiều làm rả cả lá nằm dẹp trên lớp rơm màu nâu ủ trên đất. Mạ tôi dầm mưa lạnh suốt cả buổi chiều để bòn mót những cây ném còn khá tươi sớm mai đi chợ làng bán. Cực nỗi, mưa lạnh quá nên người làng quê chẳng mấy ai đi bán mua ở chợ. Mớ ném mạ không bán được cho ai rứa là nách về luộc cho cả nhà ăn buổi cơm trưa hôm đó. Món ném luộc chấm nước ruốc ai không quen thì rất khó ăn, nhưng ăn được rồi thì là một món ngon khó cưỡng. Mà dễ chi trời mưa lạnh mà có ném luộc để ăn...

Không có nhiều ném để chế biến món ném luộc ăn hàng ngày, nhưng quê tôi vốn gần biển nên ruốc thì luôn trữ sẵn trong nhà. Nhà mô cũng trữ một vài hũ ruốc từ mùa hè để làm những món ăn cho mùa đông. Món quen thuộc nhất từ ruốc là ruốc kho quẹt và canh nước ruốc. Canh nước ruốc ngon nhất là có thêm vài miếng thịt mỡ nổi lều bều hòa cùng màu xanh của lá ném và màu đỏ của ớt bột. Mấy anh em chúng tôi đứa mô nhanh tay hơn thì được vài ba miếng thịt mỡ béo cho vô chén. Không thì chan canh nước ruốc ăn với cơm cũng được. Còn ruốc kho quẹt, bỏ thêm chút đường, chút bột ngọt, chút ớt bột và mỡ heo là một món tốn cơm. Hít hít, hà hà như rứa đến khi ruốc thì còn mà cơm thì đã cạn nồi mất rồi.

Thực tình thì hồi đó, làng tôi chưa bao giờ bị đói do ruộng nhiều, khoai sắn trồng cũng khá. Nhà nào kỹ một chút thì có thể trữ luôn cả bao khuyết khô. Đến mùa mưa dài lạnh sâu thì đem rang lên rồi xắm nước mắm tỏi ớt trở thành một món ngon và ấm người. Và nhất là nhà nào có phụ nữ có tay làm mắm, làm một hũ mắm dưa để bên chạn bếp, đến mùa lạnh gắp ra ăn. Một dĩa mắm thôi cũng là một bữa ngon cơm...

Cái ăn không gay gắt nhưng cái mặc thì thật sự thiếu. Tôi nhớ chiếc áo len của tôi đã được mạ mang đi nhờ người ta đan đi đan lại mấy lần để mặc mùa đông đến trường. Nhưng có mấy đứa bạn đi học không áo ấm phải mặc ba bốn lớp áo mỏng đến lớp, mặt tái xanh, răng đánh với hàm.

Những cơn lạnh dài có khi kéo nguyên cả tháng cuối năm. Lạnh quá nên ở quê tôi nhà mô cũng chất một đống củi ở giữa nhà vừa để nấu nước pha trà vừa để người trong nhà nhất là những người già hơ lửa sưởi ấm chống lại cái rét mùa đông.

Áo quần của người lớn trong nhà ra ngoài đồng làm ruộng, làm vườn hay trẻ con đi học ướt nhèm phơi không khô cũng phải giăng quanh bếp lửa để hong cho kịp mặc vào ngày hôm sau. Mùi khói củi, khói rơm hăng hăng mùa đông năm cũ bám vào quần áo, bám vào người bây chừ tôi vẫn còn nhớ dẫu cũng mấy chục năm rồi...

Tôi không rời xa Huế quê tôi như bạn. Có chăng tôi từ một cậu học trò làng xứ Huế rồi lên học và sống ở Huế thành thị. Có điều, tôi cũng như bạn rứa, “nghiện” mưa Huế lắm lắm, có lẽ bởi chăng mưa Huế đã gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm thật ấm áp thuở thiếu thời...

Phi Tân